Ngày hỗn loạn khi Hạ viện Mỹ bầu tân chủ tịch

Ngày đảng Cộng hòa bầu chủ tịch Hạ viện biến thành hỗn loạn, khi họ không thể đạt nhất trí trong công việc đơn giản nhất của mình để điều hành cơ quan lập pháp này.

Sau nhiều tuần tuyên bố sẽ điều tra, gây cản trở với Tổng thống Joe Biden, các nghị sĩ đảng Cộng hòa, phe đa số mới tại Hạ viện Mỹ, ngày 3/1 tham dự phiên họp đầu tiên của năm 2023 với niềm hân hoan vì quyền lực mới mà họ giành được sau bầu cử giữa kỳ.

Nhưng niềm vui đó nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi thất vọng, khi họ không thể hoàn thành nhiệm vụ cơ bản nhất: Bầu ra tân chủ tịch để dẫn dắt Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Trước phiên họp, nghị sĩ Kevin McCarthy đến từ California tràn trề hy vọng sẽ có đủ 218 phiếu cần thiết để trở thành tân chủ tịch Hạ viện, thay thế bà Nancy Pelosi của đảng Dân chủ.

Nhưng thái độ của những người có lập trường cứng rắn trong đảng Cộng hòa đã khiến giấc mơ gõ búa tại Hạ viện của McCarthy tan thành mây khói, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

McCarthy từng là lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện và đã rất nỗ lực để chạy đua vào ghế chủ tịch, vị trí quyền lực thứ hai trong danh sách kế vị tổng thống. Tuy nhiên, ông vấp phản đối mạnh mẽ từ những người thuộc phe cánh hữu trong đảng Cộng hòa.

Ông Kevin McCarthy tại phiên họp bầu chủ tịch Hạ viện ở Washington DC ngày 3/1. Ảnh: AFP.

Ông Kevin McCarthy tại phiên họp bầu chủ tịch Hạ viện ở Washington DC ngày 3/1. Ảnh: AFP.

Trong cả hai vòng bỏ phiếu tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, ứng viên McCarthy chỉ giành được 203 phiếu, thậm chí ít hơn Hakeem Jeffries của đảng Dân chủ, người có 212 phiếu bầu. Đây là lần đầu tiên trong một thế kỷ Hạ viện Mỹ không bầu được chủ tịch trong lần bỏ phiếu đầu tiên.

Vòng bỏ phiếu thứ ba thậm chí tồi tệ hơn. Khi nghị sĩ Jim Jordan đứng lên đề cử McCarthy vào ghế chủ tịch Hạ viện, 19 thành viên đảng Cộng hòa đã phản ứng bằng cách bỏ phiếu cho chính Jordan đảm nhận vị trí này, dù ông không muốn.

Nghị sĩ Georgia Marjorie Taylor Greene, người ủng hộ McCarthy, đã phàn nàn rằng đảng Cộng hòa đang tự cản trở mục tiêu của chính mình vì các “đảng viên đã quyết định phá hỏng cuộc đua giành ghế chủ tịch Hạ viện”.

Kỳ họp đầu tiên của quốc hội khóa 118 của Mỹ diễn ra với cảnh các đảng viên Cộng hòa đấu đá lẫn nhau, trong khi các đảng viên Dân chủ, những người đáng lẽ phải buồn bã vì để mất thế đa số tại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ, lại vui mừng trước cảnh tượng hỗn loạn mà phe Cộng hòa tạo ra.

“Hakeem, Hakeem”, các đảng viên Dân chủ hô vang khi lãnh đạo mới của họ, nghị sĩ Hakeem Jeffries, giành được nhiều phiếu bầu hơn McCarthy trong cả ba lần bỏ phiếu.

Ngày họp cuối cùng kết thúc với việc Hạ viện rơi vào tình trạng lấp lửng. Các thành viên gia đình ăn mặc trang trọng đến Washington để xem các nghị sĩ mới của họ tự hào tuyên thệ nhậm chức không khỏi cảm thấy thất vọng và chán nản. Hạ viện Mỹ sẽ tiếp tục bầu lại chức chủ tịch vào trưa 4/1 (rạng sáng 5/1 giờ Hà Nội), mặc dù có rất ít dấu hiệu cho thấy thế bế tắc sẽ được phá vỡ.

“Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ đạt được điều gì đó hiệu quả hơn”, McCarthy nói với phóng viên tối 3/1, song khẳng định ông sẽ không từ bỏ cuộc đua. “Điều đó sẽ không xảy ra”.

Bức tranh sẽ trở nên rõ ràng hơn vào ngày 4/1, khi vòng bỏ phiếu thứ tư được tổ chức. Tuy nhiên, những gì vừa diễn ra rõ ràng đã cho thấy một thực tế là cuộc đấu đá nội bộ của đảng Cộng hòa còn rất lâu nữa mới kết thúc.

Theo giới quan sát, ngay cả khi McCarthy nhận được đủ 218 phiếu bầu, ông có thể trở thành một chủ tịch Hạ viện “hữu danh vô thực”. Nghị sĩ California đã dành nhiều tuần để vận động tranh cử nhưng không thành công, phần nào cho thấy ông không thể kiểm soát được đảng của mình.

“Nếu các đảng viên Cộng hòa không thể thống nhất trong một cuộc bỏ phiếu dễ dàng như bầu chủ tịch Hạ viện, bằng cách nào họ có thể đoàn kết với nhau trong những nỗ lực khó khăn hơn, như về đạo luật ngân sách của chính phủ?”, Stephen Collinson, bình luận viên kỳ cựu từ CNN, đặt câu hỏi.

Các nguồn tin bên trong đảng Cộng hòa cho biết McCarthy đã đưa ra hàng loạt nhượng bộ đối với các nghị sĩ cứng rắn có liên hệ với cựu tổng thống Donald Trump, song đều không được họ ủng hộ. Các nghị sĩ này cho rằng McCarthy là “con cá sấu lớn nhất” trong “đầm lầy Washington” mà họ không bao giờ tin tưởng, đề cập tới thuật ngữ từng được ông Trump sử dụng để chỉ giới tinh hoa chính trị Mỹ.

“Có lẽ người phù hợp cho vị trí chủ tịch Hạ viện không phải là người đã bán mình trong hơn một thập kỷ để có được nó”, nghị sĩ Cộng hòa Matt Gaetz phát biểu tại phiên họp ngày 3/1, công kích trực tiếp McCarthy.

Hiện tại, McCarthy không có bất kỳ đòn bẩy nào có thể giúp ông giành phiếu từ những người phản đối, bởi họ không quan tâm tới những vị trí cao trong các ủy ban Hạ viện hay việc thông qua những dự luật quan trọng. Họ không quan tâm việc đa số thành viên đảng Cộng hòa có muốn McCarthy trở thành người lãnh đạo hay không.

Đối với họ, hỗn loạn mới là điểm mấu chốt. “Đầm lầy” càng rộng sẽ giúp họ truyền bá các thông điệp bảo thủ tốt hơn, tăng cường gây quỹ và xây dựng hình ảnh cho phong trào “Khiến nước Mỹ Vĩ đại Trở lại” (MAGA), vốn là khẩu hiệu tranh cử của ông Trump hồi năm 2016.

Thế đa số mong manh của đảng Cộng hòa tại Hạ viện cũng như những đấu đá nội bộ của họ sẽ là yếu tố tác động rất lớn đối với quốc hội Mỹ khóa 118. Nó không chỉ tạo cơ hội cho những người theo đường lối cứng rắn ngăn McCarthy chiến thắng trong cuộc đua giành ghế chủ tịch Hạ viện, mà còn tiềm ẩn nguy cơ Hạ viện có thể lâm vào bế tắc chỉ với một vài phiếu bầu, nếu phe Cộng hòa không thể thống nhất được với nhau.

Kịch bản này sẽ khiến Nhà Trắng phải lo lắng trước những khó khăn sắp xảy ra đối với dự luật về ngân sách chính phủ, trong đó có mục tiêu nâng trần nợ công.

Hỗn loạn bên trong đảng Cộng hòa cũng là cơ hội để đảng Dân chủ truyền đi thông điệp rằng đảng này không phù hợp để nắm quyền và nên bị loại ngay khi có cơ hội. Hakeem Jeffries đã nói với các nhà tài trợ đảng Dân chủ trong một email gây quỹ rằng ông “vừa chứng kiến các đảng viên Cộng hòa ở Hạ viện rơi vào hỗn loạn tột độ. Điều này thay đổi mọi thứ đối với đảng Dân chủ. Bây giờ là cơ hội lớn để cho mọi người thấy những gì chúng ta có thể làm”.

Vòng bỏ phiếu thứ tư sẽ là cơ hội để McCarthy chứng tỏ rằng ông có thể kiểm soát đảng của mình và mang lại trật tự cho Hạ viện, ngay cả khi con đường phía trước vẫn rất mịt mờ. Theo giới quan sát, có thể sau một ngày đấu đá nội bộ, các đảng viên Cộng hòa sẽ nhận ra rằng họ có nguy cơ lãng phí thế đa số quý giá tại Hạ viện.

“Chúng ta có một chương trình nghị sự phải thực hiện. Chúng ta chọn hợp lực cùng nhau để hiện thực hóa nó hay để một số ít người cản trở nó”, nghị sĩ Cộng hòa Blake Moore nói với CNN, nhấn mạnh rằng chính McCarthy đã thành công trong nỗ lực dẫn dắt đảng trở lại nắm quyền tại Hạ viện.

“Bạn không thể đánh bại đối thủ khi đội của bạn không có người dẫn dắt”, ông nói.

Vũ Hoàng (Theo CNN)

Nguồn bài viết