Số người chết trong động đất Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tăng lên hơn 28.000, trong khi hoạt động cứu trợ được đẩy mạnh để hỗ trợ người sống sót.
Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết trong cuộc họp báo hôm 11/2 rằng số người chết do động đất ở nước này đã tăng lên 24.617. Khoảng 80.000 người bị thương và hơn một triệu người mất nhà cửa.
Tại Syria, tổng số người chết được xác nhận là 3.575, trong đó có 2.167 người ở khu vực tây bắc do phiến quân kiểm soát và 1.408 trường hợp tại các vùng lãnh thổ do chính phủ kiểm soát.
Dữ liệu mới đưa số người chết trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất ngày 6/2 lên 28.192.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, 5 ngày đau thương và thống khổ đang dần trở thành cơn thịnh nộ về chất lượng kém của các tòa nhà cũng như phản ứng của chính phủ. Trước những câu hỏi về cách ứng phó trận động đất kinh hoàng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939, Tổng thống Tayyip Erdogan cam kết sẽ bắt đầu xây dựng lại trong vòng vài tuần.
Ở thành phố Antakya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, túi đựng thi thể nằm la liệt trên đường phố và người dân phải đeo khẩu trang ngăn mùi tử thi họ tham gia cùng lực lượng cứu hộ tiếp cận một số tòa nhà.
“Có sự hỗn loạn, đống đổ nát và thi thể ở khắp nơi”, một người trong nhóm chia sẻ, khi đã làm việc suốt đêm để cố gắng tiếp cận giáo viên đại học đang kêu cứu từ đống đổ nát. Đến sáng, cô không còn phản hồi nữa.
Tại Kahramanmaras, gần tâm chấn, hoạt động cứu hộ ít hơn giữa những đống bê tông đổ nát của những ngôi nhà và khu chung cư bị sập. Nhưng tại một tòa nhà, lực lượng cứu hộ chui qua các tấm bê tông để tiếp cận bé gái 5 tuổi vẫn còn sống, đặt bé lên cáng, bọc trong chăn giữ nhiệt và họ reo lên mừng rỡ.
Giám đốc viện trợ Liên Hợp Quốc Martin Griffiths mô tả trận động đất là thảm họa tồi tệ nhất trong 100 năm qua ở khu vực. Trái với đánh giá của người dân, ông ca ngợi phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng kinh nghiệm của ông cho thấy người dân ở các vùng thảm họa luôn thất vọng đối với nỗ lực cứu trợ ban đầu. Griffiths cũng dự đoán số người chết ít nhất sẽ tăng gấp đôi so với con số hiện nay.
Tại Syria, thảm họa ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng tây bắc do phiến quân kiểm soát, khiến nhiều người mất nhà cửa lần thứ hai sau khi phải di dời do cuộc nội chiến đang diễn ra.
“Ngày đầu tiên chúng tôi ngủ ngoài đường. Ngày thứ hai, chúng tôi ngủ trong ôtô và sau đó thì ngủ ở nhà người khác”, Ramadan Sleiman, 28 tuổi, ở thị trấn Jandaris, cho hay. Gia đình anh đã chuyển từ miền đông Syria đến Jandaris để chạy trốn chiến tranh.
Tại thành phố Aleppo do chính phủ kiểm soát, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus mô tả thảm họa này “rất đau lòng”. Ông đang giám sát công tác phân phối hàng cứu trợ và cam kết sẽ có thêm nhiều chuyến hàng được chuyển tới.
Một chuyến hàng viện trợ của Italy dành cho khu vực do chính phủ kiểm soát ở Syria đã đến Beirut, Lebanon, trong đợt hỗ trợ đầu tiên của châu Âu dành cho chính phủ Syria. Các quốc gia phương Tây phần lớn xa lánh Tổng thống Bashar al-Assad sau cuộc chiến bắt đầu năm 2011.
Theo truyền thông Syria, vùng tây bắc nhận được rất ít viện trợ, so với hàng chục chuyến bay đã chở hàng đến các khu vực do chính phủ nắm giữ. Nhiều chuyến hàng trong số đó đến từ các nước Arab, Nga, Iran, Ấn Độ và Bangladesh. Chính phủ Syria đã cam kết hàng viện trợ sẽ đến được tất cả người dân chịu ảnh hưởng của động đất trên khắp đất nước.
Huyền Lê (Theo AFP, CNN, Reuters)