Những cuộc gọi bất nhẫn

Ngày 8-3, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết trong những ngày qua có ít nhất 6 trường hợp đã đến bệnh viện tìm con do nhận được cuộc gọi thông báo con bị tai nạn, tính mạng nguy cấp.

Dùng tính mạng trẻ để dọa

Sáng 6-3, chị N.T.P (SN 1986) hớt hải đến Bệnh viện Chợ Rẫy vì nhận được cuộc gọi nói con bị té đến chấn thương sọ não. Đến nơi, chị nhờ các bác sĩ kiểm tra thì không có tên con ở phòng cấp cứu. Càng hoang mang, chị P. gọi về trường mới vỡ lẽ con mình đang học bình thường.

Sau khi trấn tĩnh, chị P. đến phòng bảo vệ trình bày có người gọi điện thông báo con chị gặp nạn, phải chuyển tiền gấp để đóng viện phí. Sợ con không được phẫu thuật, chị vội chuyển vào tài khoản người gọi điện 20 triệu đồng.

Những cuộc gọi bất nhẫn - Ảnh 1.

Công an TP HCM trích xuất dữ liệu một vụ lừa đảo công nghệ cao

Tiếp đó, thêm 3 phụ huynh của Trường Quốc tế Canada (quận 7), Trường Á Châu (quận 10), Trường Lương Định Của (TP Thủ Đức) hớt hải đến bệnh viện. Cả 3 trường hợp đều gặp kịch bản lừa đảo tương tự. Trong đó, chị Đ.T.M.T (SN 1981) đã chuyển khoản 2 lần vào 2 số tài khoản tên Nguyễn Duy Thái và Thạch Vũ Hà tổng cộng 200 triệu đồng; anh L.V.T (SN 1980) chuyển khoản 20 triệu đồng vào tài khoản tên Đặng Thùy Trang. Riêng anh N.Đ.N (SN 1979) may mắn hơn, bị yêu cầu chuyển khoản nhưng chưa vội nghe theo mà trực tiếp đến bệnh viện kiểm chứng thông tin.

Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển thông tin 2 phụ huynh báo bị lừa 90 triệu đồng sang cơ quan công an.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt khẳng định Bệnh viện Chợ Rẫy không bao giờ yêu cầu người nhà chuyển tiền mới được phẫu thuật. “Những trường hợp bị tai nạn hoặc được đưa đến cấp cứu, nếu cần phẫu thuật gấp, chúng tôi sẽ thực hiện ngay và tìm cách liên hệ với gia đình. Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan công an nơi phát hiện nạn nhân bị tai nạn để tìm thân nhân” – bác sĩ Việt nói và lưu ý người dân tuyệt đối không chuyển khoản, không nghe theo hướng dẫn của kẻ gian.

Không tha cả người chạy bàn

Theo tìm hiểu, sự việc nhiều phụ huynh vì quá lo lắng cho con mà bất cẩn chuyện tiền nong là diễn biến mới nhất trong tình hình tội phạm lừa đảo qua điện thoại thời gian vừa qua. Nhiều vụ việc trước đó đã gây hệ lụy xấu cho xã hội nói chung, cá nhân cũng như gia đình nạn nhân nói riêng. Như trường hợp vợ chồng anh L.M.G – chị H.T (SN 1990, quê Đồng Tháp). Họ lên TP HCM sinh sống, tích góp được một khoản tiền nhỏ bằng việc ban ngày chạy bàn quán lẩu, đêm chạy xe ôm công nghệ.

Thời gian nghỉ chờ sinh con, chị T. bị một đối tượng lạ gọi điện rỉ tai việc nhẹ lương cao và nghe theo. Công việc của chị là hằng ngày trả tiền cho đơn hàng trên trang thương mại điện tử và đến chiều được chuyển lại số tiền chi ra kèm theo tiền hoa hồng. Số tiền mua hàng cứ tăng dần và tiền lợi nhuận cũng được trả đầy đủ. Khi đơn hàng lên đến 200 triệu đồng, chị T. trả xong thì đối tượng khóa máy…

Một trường hợp khác, thường xuyên bán hàng online nên chị T.A (SN 1993) hay giao dịch qua hình thức chuyển khoản. Tháng 1-2023, chị bán chiếc nôi và được khách hàng gửi đường link lạ, nói chị nhấp vào thì tiền về tài khoản. Chị T.A làm theo, điện thoại báo nhập mã OTP… Sau đó, số tiền lớn trong tài khoản của chị A. biến mất.

Trung tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10 (TP HCM), khuyến cáo người dân tuyệt đối không nhấp vào bất kỳ đường link nào được gửi qua tin nhắn, email bởi vì trong những link này có thể có mã độc.

Nhiều trường hợp chỉ vì nhấp vào link bình chọn hoặc “thanh toán tiền mua hàng” mà bị mất quyền truy cập mạng xã hội. Khi đó, các đối tượng sử dụng những tài khoản này để thực hiện hành vi lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản hoặc dùng cho mục đích xấu khác.

“Người dân cẩn thận với các giao dịch trên mạng xã hội cũng như cảnh giác với tin nhắn vay mượn tiền. Cần xác minh đúng người cần giao dịch bằng cách gọi điện hoặc gọi video xác nhận họ là bạn bè, người thân của mình trước” – trung tá Nguyễn Chí Thanh lưu ý. Ông đồng thời nhấn mạnh khi nhận được cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Với riêng thủ đoạn bất nhẫn lừa báo con cái gặp nạn, theo Công an TP HCM, người dân cần bình tĩnh, gọi tới cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm chứng thông tin. Trường hợp không có căn cứ rõ ràng (thông báo thu viện phí của cơ sở khám chữa bệnh…), tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu.

Hành động ngay khi biết mình bị lừa

Rất nhiều vụ án lừa đảo tiền tỉ mà nạn nhân khi vừa chuyển tiền, kẻ gian đã chuyển số tiền này đến nhiều tài khoản khác nhau rồi rút ngay lập tức. Công an TP HCM khuyến cáo nếu gặp tình huống này thì gọi điện ngay đến ngân hàng để được hướng dẫn. Sau đó đến cơ quan công an gần nhất trình báo, làm đơn tố giác tội phạm và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để phá án.

Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ), nếu ngân hàng và các cơ quan chức năng kịp thời phong tỏa được dòng tiền cũng như chứng minh được dòng tiền của nạn nhân thì người dân sẽ nhận lại được số tiền đã chuyển sau khi vụ án được giải quyết.



Nguồn bài viết