Sau khi nhiễm bệnh, rất nhiều người có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài như chỉ đi được vài bước đã cảm thấy uể oải, yếu ớt và khó thở. Nếu bạn cảm thấy xuất hiện các tình trạng trên thì nguyên nhân hàng đầu có thể là do 6 yếu tố dưới đây.
Tổ chức Y tế Thế giới gọi hàng loạt các triệu chứng kéo dài sau khi nhiễm virus corona mới này là tình trạng hậu COVID-19 hoặc COVID kéo dài. Phổ biến nhất là tình trạng mệt mỏi, nói chung triệu chứng sau khi nhiễm bệnh càng nặng thì càng dễ mệt mỏi và thời gian hồi phục càng lâu.
6 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng mệt mỏi sau khi nhiễm COVID-19
1. Ảnh hưởng của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra những triệu chứng mệt mỏi như: thuốc cảm, thuốc kháng histamines để giảm sổ mũi, thuốc chống trầm cảm, chống lo âu, thuốc an thần, thuốc ngủ, v.v.
2. Các bệnh khác
Các bệnh khác cũng có thể gây ra tình trạng mệt mỏi này, chẳng hạn như thiếu máu, tiểu đường, bệnh tim mạch, suy giáp và các bệnh tự miễn dịch.
3. Các vấn đề về tim phổi
Sau khi nhiễm COVID-19, một số bệnh cơ bản có thể sẽ lại tái phát hoặc nghiêm trọng hơn là dẫn đến tức ngực, khó thở và tăng nhịp tim. Xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, đau ngực, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, khó thở và sưng chân nếu không liên quan đến ho thì nên đi khám và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, cần cẩn trọng với bệnh viêm cơ tim do virus. Ở giai đoạn đầu người bệnh có thể có các biểu hiện như mệt mỏi, đau ngực, đánh trống ngực, chóng mặt, tức ngực, khó thở, chán ăn, buồn nôn và khó thở.
4. Cơ thể thiếu kali
Khi xuất hiện tình trạng đổ mồ hôi nhiều mà chỉ bổ sung nước lọc thì có thể dẫn đến cơ thể thiếu hụt kali, các triệu chứng thiếu kali thường gặp là mệt mỏi, suy nhược, thiếu năng lượng, vô lực, lú lẫn, v.v.
5. Chất lượng giấc ngủ kém
Các triệu chứng như nghẹt mũi và ho kéo dài sau khi nhiễm COVID-19 có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ, thậm chí là mất ngủ. Đồng thời trong thời gian phục hồi, cơ thể cần được ngủ nhiều hơn, điều này càng dẫn đến tình trạng mệt mỏi hơn trong ngày.
6. Trạng thái cảm xúc
Khi bạn hoặc các thành viên trong gia đình bị nhiễm COVID -19, bạn có thể cảm thấy lo lắng, căng thẳng, trầm cảm và xuất hiện những cảm xúc tồi tệ khác khiến cơ thể cảm thấy rất mệt mỏi.
Những cách để giảm mệt mỏi sau khi bị nhiễm COVID-19
1. Điều chỉnh tâm lý
Sau khi nhiễm COVID-19, cơ thể sẽ được phục hồi lại một cách từ từ, lúc này cần đặc biệt chú ý nhiều hơn đến tinh thần, chế độ ăn uống và tập luyện. Để cho cơ thể có thời gian hồi phục tốt nhất, hãy điều chỉnh tâm lý, không nên lo lắng, nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn nhạt, đảm bảo tiêu thụ đủ đạm chất lượng cao, ăn rau quả tươi mỗi ngày, vận động tùy theo khả năng, không vận động mạnh và chú ý kiểm soát thời gian.
2. Cân bằng sinh hoạt
Đồng thời, sau khi nhiễm COVID-19, cần duy trì nếp sống sinh hoạt khoa học hàng ngày, xác định thứ tự ưu tiên của các hoạt động, lập kế hoạch làm việc hợp lý và không nên hoạt động quá sức.
Cân bằng công việc và nghỉ ngơi, duy trì tâm trạng vui vẻ, hài hước, luôn lạc quan, chủ động điều chỉnh trạng thái khi cảm thấy lo lắng, không quá theo đuổi sự hoàn hảo và không quá coi trọng mọi thứ.
Nếu có các triệu chứng nhẹ và không có khó thở, ngoài việc điều trị bệnh cơ bản thông thường, bạn có thể sử dụng các loại thuốc bổ khí một cách thích hợp như hoa hòe, bách hợp, v.v. nó có thể bổ ích phế khí và thúc đẩy khí vận động.
Ngoài ra, nhắc nhở mọi người rằng tuy cần nghỉ ngơi nhiều hơn nhưng không nên nằm quá nhiều trên giường. Bên cạnh đó, việc xem điện thoại di động và tivi sẽ không phải là chế độ nghỉ ngơi một cách thực sự.
3. Ngâm chân
Có thể áp dụng phương pháp trong y học cổ truyền Trung Quốc và liệu pháp bên ngoài như ngâm chân. Cách làm rất đơn giản: Lấy 3 miếng gừng, 5 gam ngải cứu và 5 gam muối, đun tất cả trong 10 phút, sau đó pha nước ấm đến nhiệt độ từ 40°C đến 43°C. Giữ nhiệt độ này rồi ngâm chân đến khớp mắt cá trong khoảng 30 phút, ngày 1 lần. Tuy nhiên người mắc bệnh tim cần giảm một nửa thời gian ngâm chân, không ngâm quá lâu.
Thiền định giúp phục hồi hậu COVID-19 và ngăn ngừa nhiễm virus
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, phản ứng miễn dịch ngoại vi có thể ảnh hưởng đến chức năng thần kinh, hành vi như: khả năng ghi nhớ, chức năng não và định hướng không gian. Do đó, nhắm mục tiêu vào hệ thống miễn dịch ngoại vi bằng thiền định có thể mở ra một kỷ nguyên mới nhằm duy trì sức khỏe não bộ và sửa đổi các bệnh lý thần kinh không thể đảo ngược hiện nay.[1] [2]
Bác sĩ thần kinh và tâm thần học Juliet Morgan đã hợp tác với Tiến sĩ Meghan Jobson để tìm kiếm các phương pháp điều trị các bệnh mạn tính và các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Những bệnh nhân tìm đến họ bị sương mù não, mệt mỏi, khó thở kéo dài nhiều tháng sau khi nhiễm COVID-19, có những người bị mất khả năng lao động trong hơn 8 tháng. Bác sĩ Morgan cho biết: “Những gì chúng tôi tìm thấy là bằng chứng quan trọng cho thấy thiền định tạo ra những thay đổi sinh lý trong cơ thể giúp kiểm soát căng thẳng và giảm cảm giác bị cô lập.”
Các nghiên cứu tại Hoa Kỳ cũng chỉ ra rằng, thiền trong thời gian ngắn giúp làm giảm mức trao đổi chất trong cơ thể, giảm cung lượng tim, làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp. Mức tiêu thụ oxy của não cũng giảm đáng kể, tương đương với tình trạng nghỉ ngơi của cơ thể trong giấc ngủ sâu.
Bên cạnh các phương pháp y khoa khác, thì thiền định có thể được xem như một giải pháp bổ sung không mất tiền, hỗ trợ cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính và giúp kéo dài tuổi thọ, cơ thể trẻ trung và khỏe mạnh.