Thách thức với F-16 khi hoạt động trên chiến trường Ukraine

Các cựu phi công Mỹ cảnh báo nếu Ukraine nhận tiêm kích F-16, chi phí vận hành sẽ rất cao, trong khi rủi ro từ tên lửa phòng không Nga quá lớn.

Biên chế chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất được nhận định là sự nâng cấp đáng kể cho không quân Ukraine, vốn đang sử dụng những mẫu tiêm kích từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, những chiếc F-16 mà Ukraine có thể nhận được sẽ không phải là phiên bản hiện đại nhất, với radar kém hơn và tên lửa tầm ngắn hơn so với tiêm kích lẫn các tổ hợp tên lửa phòng không Nga.

“Chuyển từ tiêm kích thời Liên Xô sang F-16 không quá khó khăn, giống như đổi từ xe Lada sang Honda Accord”, Brynn Tannehill, cựu phi công từng tham gia thiết kế hệ thống mô phỏng cho F-16, nhận định. “Tuy nhiên, chúng ta không thể vượt qua các định luật vật lý”.

Điều này đồng nghĩa Ukraine sẽ phải giảm bớt kỳ vọng đối với F-16 về khả năng chiếm ưu thế trên không, hạ tên lửa hành trình và tiêm kích mới nhất của Nga, không kích các đơn vị bộ binh và pháo binh trên chiến trường cũng như đánh chìm chiến hạm thuộc Hạm đội Biển Đen.

Cựu phi công F-16 Mỹ John Venable nhận định nếu F-16 vượt qua chiến tuyến để tấn công pháo, trận địa phòng không và tiêm kích Nga, các phi công Ukraine có thể nhận cảnh báo bị radar đối phương chiếu mục tiêu trước khi tới đủ gần để khai hỏa.

Tiêm kích F-16 trong buổi bay huấn luyện tại bang Iowa tháng 8/2022. Ảnh: USAF

Tiêm kích F-16 trong buổi bay huấn luyện tại bang Iowa tháng 8/2022. Ảnh: USAF

“Họ chỉ có thể hạ độ cao và hy vọng có chướng ngại vật nằm án ngữ giữa tiêm kích F-16 và tên lửa đối phương”, ông Venable cho biết. “Nếu không có chướng ngại vật như thế, cơ hội sống sót của họ không cao”.

Khu vực miền nam Ukraine, nơi nhiều người cho rằng Kiev sắp mở cuộc phản công quy mô lớn, có địa hình chủ yếu là đồng bằng trống trải, không có địa vật cao có thể che chắn cho tiêm kích.

Tại khu vực miền đông với địa hình nhiều đồi núi, ông Venable nhận định phi công Ukraine có thể cho F-16 bay bám mặt đất lâu nhất có thể, sau đó bất ngờ vọt lên cao để khai hỏa như cách họ đang vận hành tiêm kích MiG và Sukhoi cũ hơn.

Khi thực hiện động tác này, phi công sẽ điều khiển tiêm kích vọt lên theo một góc 30 độ để phóng tên lửa, sau đó hạ độ cao và tiếp tục bay bám địa hình.

Tuy nhiên, cơ hội thành công với một quả tên lửa là rất thấp, trong khi tiêm kích đã đánh mất yếu tố bất ngờ. “Họ sẽ không đánh trúng bất cứ mục tiêu nào”, ông Venable nói.

Dan Hampton, cựu phi công tiêm kích từng thực hiện 151 lần xuất kích trong chiến tranh Vùng Vịnh và Kosovo, cho biết một số nhiệm vụ mà Ukraine định giao cho phi công F-16, trong đó có bắn hạ tên lửa hành trình Nga, là không thực tế, bởi tên lửa Nga chỉ xuất hiện trên màn hình radar trong khoảng thời gian ngắn để phi công Ukraine có thể khai hỏa.

Để hạ tên lửa hành trình Nga, không quân Ukraine buộc phải cho F-16 bay lượn vòng trên không để chờ đợi, điều này lãng phí nguồn lực và số giờ bay quý giá của mẫu tiêm kích do Mỹ chế tạo. Mỗi tiêm kích F-16 tiêu tốn gần 27.000 USD cho một giờ bay.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Cục diện chiến sự Nga – Ukraine. Đồ họa: WP

Cựu phi công Hampton nhận định đối mặt với hệ thống phòng không Nga cũng là thử thách lớn khác đối với tiêm kích F-16 do Ukraine vận hành. Nga phát triển S-400 để đối phó với tiêm kích thế hệ 4 như F-16, khiến chúng đối mặt rủi ro rất lớn trên chiến trường.

Tuy nhiên, Hampton cũng cho rằng S-400 không phải “cây đũa thần” và dù rủi ro rất lớn, quyết định chuyển F-16 cho Ukraine sẽ phát đi tín hiệu rõ ràng về cam kết lâu dài của phương Tây với Kiev, điều rất quan trọng với sĩ khí của quân đội Ukraine.

Một số chuyên gia và cựu quan chức quốc phòng phương Tây nhận định nếu có hỗ trợ từ radar tích hợp và trên mặt đất, kết hợp với hệ thống phòng không nhiều lớp và năng lực tác chiến điện tử được cải thiện, tiêm kích F-16 có thể mang lại “ưu thế trên không của người nghèo” cho Ukraine.

Khi đẩy lùi khu vực hoạt động an toàn của tiêm kích Nga về phía sau, Ukraine có thể giảm bớt mối đe dọa từ các loại bom lượn hạng nặng mà đối phương gần đây thường phóng vào các vị trí tiền tuyến của họ.

Ngoài ra, Ukraine có thể dùng F-16 để phóng tên lửa hành trình AGM-158 JASSM và biến thể diệt hạm LRASM. Nếu được cung cấp đủ số lượng, các loại tên lửa này có thể mở rộng đáng kể năng lực tập kích tầm xa của Ukraine.

Venable nhận định đây là phương án khả thi nhưng tốn kém, đặt ra câu hỏi rằng liệu hàng trăm triệu USD để cung cấp F-16 với vũ khí phù hợp cho Ukraine có hiệu quả hơn viện trợ các tổ hợp phòng không mặt đất hay những loại vũ khí khác hay không.

Mỗi tên lửa JASSM có giá tới một triệu USD tùy biến thể và có thể phải mất vài quả để hạ mục tiêu. Tiêm kích F-16 cũng cần AIM-120 AMRAAM, với giá 1,8 triệu USD mỗi quả, để có cơ hội vượt tầm tên lửa không đối không có tầm bắn 200 km mà tiêm kích Su-35 Nga đang sử dụng.

Tiêm kích F-16 thuộc biên chế Vệ binh Quốc gia Mỹ trong buổi diễn tập tháng 11/2022 ở Arizona. Ảnh: USAF

Tiêm kích F-16 thuộc biên chế Vệ binh Quốc gia Mỹ trong buổi diễn tập tháng 11/2022 ở Arizona. Ảnh: USAF

Giá tiêm kích F-16 và chi phí vận hành là một thách thức khác. Đại tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, ngày 25/5 cho biết sẽ mất một tỷ USD để mua 10 chiếc F-16 cho Ukraine và thêm một tỷ USD khác để duy trì chúng hoạt động.

F-16 có hệ thống càng đáp khá mỏng manh, trong khi hệ thống cửa hút gió của tiêm kích không được bảo vệ, do đó đường băng phải bằng phẳng và không có những mảnh đất đá dễ bị động cơ hút vào khi cất hạ cánh. Trong khi đó, các mẫu tiêm kích MiG thời Liên Xô hoặc Gripen của Thụy Điển không gặp vấn đề này.

Tuy nhiên, cựu phi công Hampton cho rằng yếu tố này bị phương Tây phóng đại để biện minh cho việc chậm trễ cung cấp cho Ukraine tiêm kích chuẩn NATO. “Tôi từng lái những chiếc F-16 trên các sân bay với điều kiện tồi tệ, đối mặt với bão cát hoặc bão băng. F-16 nhạy cảm hơn MiG hay Gripen, nhưng chúng có thể vượt qua được những điều kiện như thế”, ông Hampton nói.

Nguyễn Tiến (Theo Bloomberg)


Nguồn bài viết