TikTok nói gì về việc sắp bị thanh kiểm tra tại Việt Nam

TikTok cho biết đã được thông báo về việc thanh kiểm tra liên ngành giữa ba Bộ và muốn nhận góp ý để hoạt động tốt hơn.

Trả lời VnExpress, đại diện TikTok tại Việt Nam khẳng định từ đầu tháng 2, họ đã nhận được thông báo về việc sẽ có đoàn thanh kiểm tra liên ngành, gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương và Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính đến làm việc với TikTok tại Việt Nam trong quý II/2023. Đây là hoạt động thanh kiểm tra theo kế hoạch của Chính phủ với các công ty hoạt động ở Việt Nam, không riêng TikTok.

“Chúng tôi rất trông chờ đón tiếp đoàn công tác liên ngành vì sẽ là cơ hội lớn để TikTok lắng nghe góp ý từ Chính phủ để có thể hoạt động tốt hơn trong tương lai”, đại diện TikTok nói.

Logo ứng dụng TikTok trên điện thoại. Ảnh: Lưu Quý

Logo ứng dụng TikTok trên điện thoại. Ảnh: Lưu Quý

Ngày 3/4, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết Bộ sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện TikTok trong tháng 5, liên quan đến nội dung xấu độc liên tục xuất hiện trên nền tảng thời gian qua.

Theo ông, đợt thanh kiểm tra này tập trung vào các vấn đề như cách phân phối nội dung, thuế, thương mại điện tử, quảng cáo. Ông cũng nhấn mạnh tình trạng video có nội dung độc hại xuất hiện trên TikTok thời gian qua, nhưng nền tảng không chủ động xử lý, ngăn chặn.

“Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng TikTok chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả tình trạng này. Thậm chí, thuật toán TikTok còn giúp thông tin độc hại dễ dàng tạo thành xu hướng, lan tỏa mạnh hơn, ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ”, ông Do nói.

Báo cáo của Data Reportal công bố đầu năm 2023 cho thấy Việt Nam đứng thứ sáu thế giới về số người dùng TikTok với gần 50 triệu người sử dụng. Theo khảo sát của VnExpress từ chiều 4/4 với hơn 5.000 người tham gia, 60% từng gặp nội dung độc hại trên TikTok, chỉ 2% không gặp. Tuy nhiên, cũng có 40% cho biết không sử dụng TikTok.

Theo ông Do, các nền tảng xuyên biên giới như TikTok có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. “Tuy nhiên khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, không chỉ gồm việc quản lý nội dung mà còn cả nghĩa vụ thuế, thanh toán, quảng cáo”, ông nói.

Khi được hỏi về việc xử lý các video với nội dung xấu độc, đối tác truyền thông của TikTok tại Việt Nam cho biết “vẫn đang tiếp tục làm việc với TikTok để có được phần phản hồi sớm nhất”.

Theo báo cáo minh bạch của TikTok, nền tảng này xóa 1,7 triệu video tại Việt Nam vì vi phạm chính sách trong quý IV/2022, trong đó 94,9% là chủ động xóa. Trong nửa đầu 2022, TikTok nhận được yêu cầu xử lý 292 video từ Chính phủ Việt Nam, trong đó xóa 197 video, chiếm 67,5% số yêu cầu.

Lưu Quý

Nguồn bài viết