Đà Nẵng, Quảng Nam lo thiếu nước

El Nino và việc xả nước không đúng quy trình của các nhà máy thủy điện đã khiến Đà Nẵng và Quảng Nam đối diện với nguy cơ thiếu nước trong 3 tháng tới.

Tại TP Đà Nẵng, cửa thu nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi cung cấp khoảng 80% nước sạch cho thành phố hơn 1,1 triệu dân những ngày qua độ mặn xấp xỉ 1.000 mg/lít, việc thu nước gặp nhiều khó khăn.

Ông Hồ Minh Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng, cho biết mỗi ngày thành phố sử dụng 330.00-340.000 m3 nước, hiện khách hàng chưa bị thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, dự báo mùa khô năm nay thành phố đối mặt nguy cơ thiếu nước do việc bơm nước từ trạm phòng mặn An Trạch về pha loãng không hiệu quả vì chính nguồn nước ở đây cũng nhiễm mặn.

Tương tự tại Quảng Nam, mới bước vào mùa khô hạn song hạ lưu sông Thu Bồn đã bị mặn xâm nhập. Trạm bơm 19/5 của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, lấy nước từ sông Câu Lâu, cách biển Cửa Đại khoảng 10 km, bị nhiễm mặn 14,7 phần nghìn.

Giám đốc hợp tác xã Lê Trung Nam cho biết, trạm bơm cung cấp nước cho 377 ha lúa. Dự kiến ngày 25/5 người dân bắt đầu sản xuất vụ hè thu, song với tình trạng nhiễm mặn như trên thì không thể lấy nước sản xuất, vì độ mặn cho phép bằng hoặc dưới 0,8 phần nghìn, nhưng nay gấp hơn 18 lần. “Nếu tiếp tục nắng nóng đến 20/5 và không có nước của thủy điện ở thượng nguồn xả về trạm bơm thì vụ hè thu không thể xuống giống”, ông Nam nói.

Đập Tứ Câu, trên sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn được đắp để ngăn mặn từ sông Hàn, Đà Nẵng. Ảnh: Đắc Thành

Đập Tứ Câu trên sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn được đắp để ngăn mặn từ sông Hàn, Đà Nẵng. Ảnh: Đắc Thành

Không chỉ ảnh hưởng của nhiễm mặn, ông Đào Văn Thiên, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Quảng Nam, cho biết vụ hè thu tới khoảng 3.000 ha lúa phía bắc tỉnh có nguy cơ thiếu nước do mực nước các hồ thủy điện thượng nguồn đang thấp hơn quy trình vận hành liên hồ.

Cụ thể 7h ngày 5/5, mực nước hồ thủy điện A Vương là 360 m (thấp hơn mực nước đón lũ thấp nhất 10 m), hồ Sông Bung 4 là 212 m (thấp hơn 4 m), hồ Sông Bung 2 là 594 m (thấp hơn 6 m), hồ Sông Tranh 2 là 162 m (thấp hơn 3 m).

Nguyên nhân hồ thủy điện thiếu nước được Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chỉ ra là trong tháng 4, các nhà máy xả nước không đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Mực nước thấp có nguy cơ không đủ cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân ở vùng hạ du đến cuối mùa khô, đặc biệt là TP Đà Nẵng. Cục đề nghị các nhà máy chấm dứt xả nước sai quy trình.

Nguy cơ thiếu nước còn do Việt Nam chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng gay gắt hơn, mưa ít hơn. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định tổng lượng mưa năm nay phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm, ít có khả năng mưa to dồn dập cuối tháng 5, đầu tháng 6. Khô hạn, thiếu nước có thể xảy ra tại miền Trung và Tây Nguyên từ tháng 5 đến 8.

Thuỷ điện sông Tranh 2. Ảnh: Đắc Thành

Thủy điện sông Tranh 2. Ảnh: Đắc Thành

Bị tuýt còi vì xả nước không đúng quy trình, ông Ngô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện A Vương, giải thích do phụ tải hệ thống điện tăng cao, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia huy động phát điện để đáp ứng nhu cầu. “Mỗi khi Trung tâm Điều độ yêu cầu phát điện thì nhà máy phải vận hành để đảm bảo an toàn cung cấp điện. Hiện mực nước thấp hơn quy định, chúng tôi đã báo cáo tỉnh Quảng Nam và cơ quan chuyên môn”, ông Thế nói.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết những tháng gần đây thời tiết bất lợi, nước về nhiều hồ thủy điện thấp hơn trung bình nhiều năm và thấp hơn nhiều so với dự báo. Do vừa cấp nước cho hạ du, vừa đảm bảo cung cấp điện, nhất là khi nắng nóng làm tiêu thụ điện tăng cao, các nhà máy phải tăng công suất, dẫn đến mực nước hồ ở một số thời điểm thấp hơn so với quy trình.

Tuy nhiên, EVN khẳng định cấp nước cho vùng hạ du là nhiệm vụ chính trị quan trọng, các nhà máy thủy điện sẽ luôn đảm bảo việc này đến hết mùa khô.

Đắc Thành – Nguyễn Đông – Gia Chính

Nguồn bài viết