Hà Nội triển khai 600 đội “truy quét” chó thả rông ra sao?

Hà Nội triển khai gần 600 đội bắt chó thả rông ra sao?

Ngày 24/2, trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, thành phố đã và đang triển khai thành lập gần 600 đội bắt chó thả rông tại 30 quận, huyện, thị xã và sẽ do đơn vị trực tiếp tham mưu.

Liên tiếp nhiều người bị tấn công: Hà Nội triển khai 600 đội "truy quét" chó thả rông ra sao? (bài 4) - Ảnh 1.

Đội săn bắt chó thả rông phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Phạm Duy

Theo vị lãnh đạo này, đội bắt chó thả rông chỉ là một trong các yếu tố để đảm bảo vùng an toàn, không còn bệnh dại. Mục tiêu của đội còn là tuyên truyền đến chủ nuôi chó, mèo các quy định của pháp luật, phát hiện, xử phạt chủ nuôi không xích, rọ mõm chó ở nơi công cộng, ngăn chặn chó dữ tấn công người gây hậu quả nghiêm trọng…

“Hiện Hà Nội đã xây dựng 8 quận được công nhận vùng an toàn bệnh dại gồm: Thanh Xuân, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm… Một trong những nội dung quan trọng để có được vùng an toàn bệnh dại đó là quản lý chó thả rông, hiện tại các quận đã tập trung chỉ đạo các phường thành lập các tổ bắt giữ chó thả rông đi vào hoạt động. 

Liên tiếp nhiều người bị tấn công: Hà Nội triển khai 600 đội "truy quét" chó thả rông ra sao? (bài 4) - Ảnh 2.

Hình ảnh chó thả rông trên đường Lê Quang Đạo, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Từ kinh nghiệm thực hiện của các quận đi trước, tổ bắt giữ chó thường đi vào thời điểm sáng sớm và chiều tối, không cố định về thời gian để đảm bảo hoạt động có hiệu quả, tránh hiện tượng người dân không chấp hành. Điều quan trọng là tạo tâm lý thói quen cho người nuôi khi đưa chó ra nơi công cộng là phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật”, lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội chia sẻ.

Bên cạnh đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ và chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật khi nuôi chó. Nội dung tuyên truyền đi sâu việc phổ biến pháp luật, vai trò tác dụng của việc tiêm phòng vaccine Dại cho chó mèo, khi mang chó ra nơi công cộng bắt buộc phải có rọ mõm, có xích, có người dắt. 

Chi cục Thú Y Hà Nội cũng tuyên truyền người dân không nên nuôi các loài chó to, giống chó dữ, nhất là gia đình có người già, trẻ nhỏ, tùy điều kiện khuôn viên trong gia đình để nuôi các giống chó cho phù hợp. Tuyên truyền phổ biến những hành vi bị xử lý vi phạm hành chính nếu không chấp hành quy định về tiêm phòng, để chó cắn người, mất vệ sinh môi trường. 

“Trong thời gian tới sẽ cố gắng xây dựng 12 quận được công nhận vùng an toàn bệnh dại trước năm 2025. Làm tốt khâu tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, càng địa bàn thủ đô càng phải có ý thức trách nhiệm cao hơn. 

Liên tiếp nhiều người bị tấn công: Hà Nội triển khai 600 đội "truy quét" chó thả rông ra sao? (bài 4) - Ảnh 3.

Hình ảnh chó chạy tung tăng thi thoảng vẫn xuất dưới khu vực sân chung cư ở Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Đến nay người dân có chuyển biến tích cực trong việc nuôi chó, nhất là tại các khu đô thị, khu chung cư, số chủ nuôi để chó thả rông ra nơi công cộng, khu vui chơi giải trí giảm đáng kể. Kết quả này cũng đồng nghĩa với việc tại các địa phương đã giảm số người bị chó thả rông cắn, giảm các vụ việc tai nạn giao thông do chó thả rông gây nên”, vị này chia sẻ. 

Qua kiểm soát, tỉ lệ nuôi chó mèo nhất là chó cảnh tăng lên bởi giá trị cao, có vai trò trong việc cân bằng sinh thái cho người. Chó cảnh không những cân bằng sinh thái trong gia đình, là thú vui để một số người tránh mắc bệnh tự kỷ…

“Trong thời gian tới, một nhiệm vụ cũng rất quan trọng đó là tiếp tục duy trì hoạt động tổ săn bắt chó, ý thức của người dân ngày một được nâng cao, tuân thủ quy định pháp luật. Nuôi chó phải khai báo với chính quyền địa phương, thực hiện nghiêm việc tiêm phòng đối với chó, đây là việc bắt buộc. Trường hợp chó tấn công người khác thì chủ chó phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, không để chó gây tiếng ồn, gây mất vệ sinh nơi công cộng, đặc biệt chó thả rông gây mất mĩ quan trong việc phóng uế bừa bãi”, lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội nhấn mạnh.

Theo thống kê từ Chi cục Thú y, tổng đàn chó mèo tại Hà Nội có khoảng 430.000 con, đứng thứ hai cả nước, sau Nghệ An.

Nhiều người dân đã ý thức trong quản lý vật nuôi

Trao đổi với PV Dân Việt, Đào Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch UBND phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, phường Kim Giang là 1 trong 2 phường đầu tiên trên địa bàn Hà Nội thành lập đội bắt chó thả rông, đội gồm 7 thành viên.

Liên tiếp nhiều người bị tấn công: Hà Nội triển khai 600 đội "truy quét" chó thả rông ra sao? (bài 4) - Ảnh 4.

Một con chó thả rông cố chạy thoát thân khi lực lượng chức năng vây bắt. Ảnh: Phạm Duy

“Khi bắt được những chú chó thả rông, chúng tôi sẽ nhốt lại, sau đó chúng tôi sẽ thông báo đến chủ chó trên loa phát thanh và các nhóm chat của phường. Trong thời gian nhốt chó ở phường, chúng tôi cho ăn uống đầy đủ. Sau 48 tiếng, nếu không có người đến nhận, chúng tôi sẽ đưa lên viện chăm sóc bảo vệ vật nuôi”, bà Tâm cho hay.

Theo bà Tâm, thời gian qua đơn vị thực hiện triển khai đội săn bắt chó tối thiểu mỗi tuần 1 lần, không có định thời gian. “Chính việc tuyên truyền tốt hơn nên người dân cũng đã ý thức hơn rất nhiều, chó thả rông không rọ mõm gần như còn rất ít. Bên cạnh đó, khi tiếp nhận thông tin người dân báo khu vực nào có chó thả rông không rọ mõm chúng tôi sẽ cử người xuống trực tiếp nhắc nhở, xử lý”, bà Tâm thông tin.

Liên tiếp nhiều người bị tấn công: Hà Nội triển khai 600 đội "truy quét" chó thả rông ra sao? (bài 4) - Ảnh 5.

Theo lãnh đạo phường Kim Giang, chính việc tuyên truyền tốt hơn nên người dân cũng đã ý thức hơn rất nhiều, chó thả rông không rọ mõm gần như còn rất ít. Ảnh: Phạm Duy

Lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cũng cho biết, đơn vị cũng đang triển khai tổ săn bắt chó thả rông không rọ mõm. “Chúng tôi cũng đã gửi những bài tuyên truyền nâng cao ý thức người dân tới từng tổ dân phố. Hiện nay nhiều người dân cũng ý thức hơn trong việc quản lý vật nuôi nên chó thả rông giảm đáng kể. Trường hợp nào cố tình vi phạm cũng sẽ xử lý theo quy định”, lãnh đạo phường Hoàng Liệt nhấn mạnh.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã ban hành kế hoạch phòng chống bệnh dại năm 2023 với mục tiêu 100% ca bệnh dại lâm sàng được phối hợp điều tra, xử lý; 100% quận, huyện, thị xã có phòng tiêm chủng vaccine huyết thanh phòng dại; trên 90% trường hợp được xử lý vết thương trước khi tới cơ sở điều trị dự phòng; trên 90% các trường hợp được điều trị dự phòng đầy đủ, kịp thời; 100% các trường hợp tiêm vaccine phòng bệnh dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống quốc gia; tổ chức truyền thông trực tiếp cho đối tượng nguy cơ; truyền thông gián tiếp đạt mức tối thiểu 1 lần/tháng tại các xã ngoại thành và hằng tuần khi xuất hiện ca bệnh, ổ dịch; 100% các đơn vị thực hiện phối hợp liên ngành y tế – thú y trong hoạt động phòng chống bệnh dại theo quy định.

Theo CDC Hà Nội, từ năm 2009 – 2022, mỗi năm TP ghi nhận 1 – 3 bệnh nhân tử vong do bệnh dại. Số ca mắc bệnh dại tập trung chủ yếu tại các huyện ngoại thành. Năm 2022, ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 2 huyện Phú Xuyên và Mê Linh. Hai trường hợp này không được điều trị dự phòng.

Còn nữa!



Nguồn bài viết