Loạt vụ xả súng thúc đẩy người Mỹ gốc Á mua vũ khí

Lynn Kim chưa bao giờ nghĩ đến việc phải mua vũ khí phòng thân, nhưng thay đổi suy nghĩ sau hai vụ xả súng ở California tuần trước.

Hai vụ xả súng diễn ra chỉ cách nhau hai ngày, đều do nghi phạm gốc Á lớn tuổi thực hiện nhằm vào những người Mỹ gốc Á khác. Sau khi biết tin, Lynn Kim, người Mỹ gốc Hàn, nói với chồng: “Đến lúc rồi. Anh yêu, chúng ta hãy xem xét mua một khẩu súng”.

Kim, ngoài 40 tuổi, sống ở Tây Los Angeles cùng chồng, con gái đang học cấp hai và mẹ. Nỗi sợ hãi lớn nhất của cô là một “kẻ lạ mặt khủng khiếp nào đó” đột nhập khi mẹ cô ở nhà một mình.

David Liu, chủ một cửa háng bán súng ở thành phố Arcadia, California. Ảnh: Tribune News.

David Liu, chủ một cửa háng bán súng ở thành phố Arcadia, California. Ảnh: Tribune News.

“Tôi sợ vũ khí, nhưng điều khiến tôi sợ hơn nhiều là việc bị tấn công. Tôi không thể để bất cứ điều gì làm tổn hại đến gia đình mình”, Kim cho biết. Cô đang tìm hiểu về súng và dự định xem các video trên YouTube để học những nguyên tắc cơ bản khi dùng súng.

Vụ xả súng hàng loạt tại phòng khiêu vũ ở Monterey Park và ở vùng nông thôn Half Moon Bay xảy ra sau khi làn sóng thù ghét người châu Á bùng lên trong đại dịch Covid-19, cùng với tình trạng gia tăng tội phạm ở các thành phố lớn của bang California.

Đối với một số người Mỹ gốc Á, sở hữu súng dường như là cách duy nhất giúp họ cảm thấy an toàn.

Nghiên cứu cho thấy người gốc Á, những người có tỷ lệ sở hữu súng thấp nhất tại Mỹ, đã mua nhiều súng hơn trong vài năm qua.

“Tỷ lệ sở hữu súng bùng nổ trong thời kỳ đại dịch”, Alex Nguyen, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Luật Giffords về Ngăn chặn Bạo lực Súng đạn, người ủng hộ siết chặt luật kiểm soát súng, cho hay.

Gần 30% các nhà bán lẻ súng cho biết họ có nhiều khách hàng người Mỹ gốc Á hơn vào năm 2021 so với năm trước đó, theo một cuộc khảo sát của Tổ chức Các môn thể thao Bắn súng Quốc gia (NSSF), một hiệp hội thương mại ngành súng.

Khảo sát của NSSF cho thấy tỷ lệ mua súng thậm chí còn tăng mạnh hơn ở các nhóm chủng tộc khác. Hơn 60% số nhà bán lẻ cho biết họ đã bán nhiều súng hơn cho người da trắng so với năm 2020, 45% có nhiều khách hàng da màu hơn và 37% bán cho nhiều người gốc Latinh hơn.

Việc gia tăng tỷ lệ sở hữu súng thể hiện một bước thay đổi văn hóa đáng chú ý trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, đặc biệt là ở các thành phố duyên hải, giới quan sát nhận định.

Dù vậy, nam giới da trắng đến nay vẫn là nhóm dân số sở hữu súng phổ biến nhất và người Mỹ gốc Á là nhóm nhỏ nhất, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew.

“Người gốc Á là bộ phận sở hữu súng ngày càng nhiều trong cộng đồng ở California”, Sam Paredes, giám đốc điều hành tổ chức Những người sở hữu súng California, một nhóm vận động ủng hộ súng, cho hay.

Họ mua súng để “chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân, nhà cửa và cơ sở kinh doanh, đặc biệt trước tình trạng gia tăng bạo lực thù ghét nhằm vào họ. Bạn không thể trách họ về điều đó”, ông nói.

California là một trong số bang có luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt nhất ở Mỹ và hai vụ xả súng vào tuần trước, khiến 18 người thiệt mạng, đã khơi lại cuộc tranh luận lâu nay trên khắp nước này về kiểm soát súng đạn.

Một số người nói rằng mua súng không phải cách đúng đắn để người Mỹ gốc Á đối phó với nỗi sợ hãi của họ.

Gloria Pan, phó chủ tịch nhóm vận động MomsRising, kêu gọi người Mỹ gốc Á “chống lại lời mời gọi mua súng tiềm ẩn nhiều chết chóc”.

Thống đốc Gavin Newsom cho biết ông hiểu tại sao mọi người, đặc biệt là người Mỹ gốc Á, đang tự trang bị vũ khí.

“Những căng thẳng chồng chất, nhiều năm Covid-19, một cộng đồng cảm thấy không được tôn trọng, bị đánh giá thấp, thiếu nguồn lực và sau đó là các vụ xả súng”, ông nói hôm 21/1, đề cập đến nguyên nhân nhiều người Mỹ gốc Á đổ xô đi mua súng.

Tuy nhiên, ông lên án các nhóm ủng hộ súng, nói rằng họ đã làm sâu sắc thêm nỗi sợ hãi của cộng đồng về tình trạng tội phạm gia tăng, nhập cư hay các vấn đề khác.

Ngành công nghiệp súng đã tăng cường tiếp thị cho người Mỹ gốc Á, một trong những nhóm sắc tộc phát triển nhanh nhất ở Mỹ. Nhiều khuôn mặt đa dạng chủng tộc hơn đang được giới thiệu trong các quảng cáo súng và trên trang bìa của những tạp chí vũ khí.

“Giữa thời kỳ Covid-19, khi chúng ta thấy các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc nhằm vào người Mỹ gốc Á ngày càng tăng, ngành công nghiệp súng coi đây là cơ hội để tìm cách bán súng cho cộng đồng này”, Josh Sugarmann, giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách Bạo lực, một tổ chức ủng hộ kiểm soát súng, cho hay.

Chris Cheng, người gốc Trung Quốc và Nhật Bản đang sinh sống tại Mỹ, cho biết anh rất tự hào khi được Hiệp hội Súng trường Quốc gia tuyển dụng nhiều năm trước để trở thành “một bộ mặt khác đại diện cho quyền sở hữu súng”, đồng thời, anh cũng rất vui khi được giúp đỡ ngành công nghiệp vũ khí tiếp thị cho cộng đồng gốc Á.

Địa điểm tưởng niệm 11 nạn nhân trong vụ xả súng ở Monterey Park, California. Ảnh: Tribune News.

Địa điểm tưởng niệm 11 nạn nhân trong vụ xả súng ở Monterey Park, California. Ảnh: Tribune News.

“Giữa những biến động xã hội liên quan đến vấn đề chủng tộc, rất nhiều người Mỹ gốc Á đang tự hỏi: ‘Liệu chính phủ có thể bảo vệ tôi không?’ Và câu trả lời của nhiều người là ‘Không'”, Cheng, vận động viên bắn súng thể thao, người chiến thắng trong cuộc thi “Top Shot” của kênh History, giải thích.

Cheng, 43 tuổi, lớn lên ở quận Cam và hiện sống tại San Francisco. Cha anh, một cựu binh hải quân Mỹ, đã dạy anh cách sử dụng súng an toàn khi anh còn là một cậu bé.

Hai năm trước, anh đã tham gia thành lập Hiệp hội Người sở hữu súng Mỹ gốc Á. Cheng cho biết hiệp hội đến nay đã quy tụ khoảng 2.000 thành viên.

Đối với những người mới sở hữu súng, quá trình biến đổi tâm lý sẽ đi từ sợ hãi đến phấn khích khi học cách sử dụng súng và cuối cùng là cảm thấy được nắm quyền lực trong tay.

Nhạc sĩ nghiệp dư Mike Yu, người đến Mỹ từ đảo Đài Loan, có thể sớm trở thành một chủ sở hữu súng mới như vậy. Anh và cha dự định ghé thăm cửa hàng súng để mua một khẩu Glock.

Yu, 25 tuổi, cho biết cha anh từng rất lo lắng về nguy cơ súng cướp cò, nhưng đã thay đổi suy nghĩ sau vụ xả súng ở Monterey Park.

Ở California, để được mang súng nơi công cộng, chủ sở hữu súng cần có giấy phép do chính quyền cấp. Nếu không có giấy phép, họ chỉ được cất vũ khí tại nhà, điều ít có tác dụng bảo vệ trước các vụ xả súng.

Nhưng những người đang nghĩ đến việc mua súng nói rằng nó sẽ khiến họ cảm thấy an toàn hơn, ngay cả khi không thể mang súng đi khắp nơi.

Yu sống với cha mẹ và anh em họ, và những vị khách đến từ Hong Kong hay Đài Loan thường ở nhờ nhà họ.

“Tôi không biết những vị khách đó sẽ cảm thấy thế nào khi biết có một khẩu súng trong nhà chúng tôi”, Yu nói. “Nhưng chúng tôi không muốn trở thành nạn nhân của các vụ xả súng”.

Jeff Liu tiếp xúc với súng khi còn là một thiếu niên. Cha anh khi đó đã mua một khẩu súng để đề phòng, do nhà hàng xóm bị mất trộm.

Liu hiện sở hữu khoảng 20 khẩu súng. Anh có giấy phép mang vũ khí nhưng thường không đem theo súng ở nơi công cộng, trừ khi đến một địa điểm xa lạ.

Liu, 48 tuổi, cư dân Irvine sinh ra ở Đài Loan và làm việc tại một công ty ôtô, đặc biệt lo lắng cho an toàn cho hai con, nên đã đưa chúng đến trường bắn để học cách sử dụng súng.

“Tôi cho rằng súng giống như biện pháp tự vệ cuối cùng”, Liu nói. “Bạn thực sự không muốn sử dụng nó, nhưng tôi muốn có lựa chọn và có cơ hội phản ứng, chỉ để đề phòng”.

Tuần trước, tại cửa hàng súng của mình ở Arcadia, thành phố tập trung đông người gốc Á tại California, David Liu đã tư vấn cho một bác sĩ chỉnh hình đang tìm mua súng.

“Kiểm soát súng là điều vớ vẩn”, ông nói. “Tôi vẫn nói với truyền thông rằng họ nên lo lắng về trò chơi trực tuyến thì hơn”.

David Liu, 56 tuổi, mở cửa hàng súng vào năm 2016 với biển hiệu được viết bằng cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh. Bên ngoài, ông treo lá cờ chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Donald Trump năm 2020.

Ông sinh ra ở Đài Loan và chuyển đến Hong Kong năm 4 tuổi rồi tới Mỹ khi còn là một thiếu niên. David Liu cho rằng các phương tiện truyền thông đã “thổi phồng” mối liên hệ giữa làn sóng thù ghét người châu Á với xu hướng gia tăng sở hữu súng của người Mỹ gốc Á.

Theo ông, mọi người cảm thấy không an toàn vì tình trạng gia tăng các vụ trộm và tội phạm khác, cũng như những cuộc biểu tình đòi công lý cho người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát ghì chết năm 2020.

David Liu cho biết khoảng một nửa khách hàng của ông là người Mỹ gốc Á. Khi được hỏi có nhiều người châu Á đến cửa hàng kể từ sau hai vụ xả súng hàng loạt hồi tuần trước không, ông chỉ cười.

“Trong ba năm qua, bất cứ ai cần mua súng đều đã mua rồi”, ông nói.

Vũ Hoàng (Theo Tribune News)

Nguồn bài viết