Mánh ăn chia của nhóm nâng giá trồng cây xanh ở Hà Nội

Từ chỉ đạo “miệng” của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, hai doanh nghiệp được nhận 16 hợp đồng trồng cây xanh, song nâng khống giá gây thiệt hại hơn 34 tỷ đồng, theo cáo buộc.

Trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, ngày 26/3.

14 người khác bị C03 đề nghị truy tố về các tội Buôn lậu; Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo kết luận, năm 2016 khi Sở Xây dựng Hà Nội đang thực hiện 8 gói thầu trồng cây xanh trên địa bàn, Hà Nội triển khai tiếp công tác trồng mới, thay thế, bổ sung cây xanh, thực hiện đến năm 2019.

Qua các chỉ đạo của ông Chung, từ 2016 đến 2019, dù việc trồng mới cây xanh ở Hà Nội đủ điều kiện đấu thầu, Ban Duy tu các công trình kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng không tổ chức mà ký hợp đồng đặt hàng trực tiếp với Công ty Cây xanh và Công ty Sinh Thái Xanh.

Ban Duy tu đã đặt hàng Công ty Cây xanh 10 hợp đồng trị giá hơn 241 tỷ đồng, Công ty Sinh Thái Xanh 6 hợp đồng trị giá hơn 43 tỷ đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, nhóm cán bộ Ban Duy tu và người đứng đầu hai doanh nghiệp này bị cáo buộc đã bắt tay nâng khống giá, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 34 tỷ đồng, theo cơ quan điều tra.

Cây keo được trồng dọc Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Ngọc Thành

Cây keo được trồng dọc Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Ngọc Thành

Công ty Cây xanh là đơn vị trực thuộc UBND Hà Nội, vốn điều lệ 310 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cho rằng nhằm rút ruột ngân sách nhà nước, Tổng giám đốc Công ty Cây xanh Nguyễn Xuân Hanh đã “bắt tay” với Nguyễn Tuấn Nghĩa, chủ doanh nghiệp cung cấp cây.

Bị can Nghĩa được giao chuẩn bị một số loại cây như chà là, bàng lá nhỏ để cung ứng theo hợp đồng song nâng giá đầu vào cao gấp nhiều lần thực tế.

Theo cáo buộc, nhóm này thống nhất trước về số lượng, chủng loại, đơn giá và địa điểm trồng. Ông Hanh chỉ đạo cấp dưới tính toán, đối chiếu để số tiền nâng khống là 17 tỷ đồng. Nghĩa sau khi được thanh toán tiền đã chuyển lại 17 tỷ đồng cho Công ty Cây Xanh thông qua ông Hanh. Trong số tiền chiếm hưởng này, Vũ Kiên Trung, Chủ tịch Công ty Cây xanh, nhận 1,5 tỷ đồng; ông Hanh 600 triệu đồng, kế toán trưởng Bùi Phương Thảo nhận 380 triệu đồng và một số cán bộ chủ chốt của Công ty Cây xanh chia nhau 4,7 tỷ đồng.

Ông Trung khai đã trích từ 17 tỷ đồng này đưa cho ông Chung 2,6 tỷ đồng vào các dịp lễ tết năm 2016-2018 để cám ơn đã tạo điều kiện và chỉ đạo sở ngành Hà Nội đặt hàng công ty.

Ngoài 17 tỷ đồng tiền chênh lệch chuyển cho Công ty Cây Xanh, theo cơ quan điều tra bị can Nghĩa còn được hưởng lợi 10 tỷ đồng. Anh khai nhận mọi hành vi và gia đình đã nộp 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Cảnh sát đọc lệnh khám xét ở xí nghiệp cây xanh, tháng 8/2021. Ảnh: Công an cung cấp

Cảnh sát đọc lệnh khám xét ở Công ty Cây xanh, tháng 8/2021. Ảnh: Công an cung cấp

Cùng với doanh nghiệp Công ty Cây xanh tham gia trồng cây trên địa bàn thủ đô, Công ty Sinh Thái Xanh ra đời từ năm 2016, khi Bùi Văn Mận đang trốn nợ ở Lâm Đồng thì được ông Chung gọi về làm dự án trồng cây. Mận không góp vốn nhưng đứng tên là giám đốc, việc do phó giám đốc Hoàng Thị Kim Loan đảm nhận.

Sau khi hỏi ý kiến và được Mận tư vấn làm vườn ươm để trồng cây keo tại nút giao Đại lộ Thăng Long, ông Chung chỉ đạo Giám đốc Sở Xây dựng: “Cho thằng Mận vào, chỉ hơn 3 tỷ thôi”. Từ đó, dự án vườn ươm đầu tiên của Sinh Thái Xanh được thực hiện với Ban Duy tu.

Doanh nghiệp này sau đó được đặt hàng liên tiếp 6 hợp đồng trồng cây keo ven quốc lộ, trồng bổ sung cây bóng mát, đánh chuyển, bó vỉa gốc cây tạo cảnh quan không gian xanh trên một số tuyến đường. Tổng trị giá các hợp đồng hơn 43 tỷ đồng.

Khi hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán với Ban Duy tu, Mận và Loan đã thông đồng nâng giá cây chiêu liêu thêm 1.100 đồng/cây, cây keo 9.000 đồng/cây, cây Long Não 4,4 triệu/cây và cây Sộp 19 triệu/cây. Từ đó, Sinh Thái Xanh hưởng lợi, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 17 tỷ đồng, theo cáo buộc.

Với tiền thu lời bất chính, Loan và Mận chia nhau mỗi người 6,5 tỷ đồng, còn lại sử dụng vào các công việc chung của công ty. Từ tiền hưởng lợi, Mận khai chi 1,2 tỷ đồng trồng cây tại Trường Mầm non Yển Khê (huyện Thanh Ba, Phú Thọ) để ông Chung dùng tư cách cá nhân tài trợ và trồng cây trị giá gần 140 triệu đồng cho nhà bố mẹ đẻ của ông Chung ở Phú Thọ.

Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Phạm Dự

Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại toà án. Ông Chung hiện thi hành 12 năm tù tại ba vụ án đã xét xử. Ảnh: Phạm Dự

Qua các sự việc việc, cơ quan điều tra đánh giá ông Chung với tư cách là chủ tịch thành phố đã không đảm bảo tính công minh, liêm chính, vì động cơ cá nhân đã chỉ đạo cấp dưới làm sai. Nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình, ông Chung “ra văn bản một đằng, chỉ đạo miệng một nẻo”.

Theo cơ quan điều tra, ông Chung không thừa nhận hành vi. Ông Chung khai, khi nhận chức Chủ tịch UBND Hà Nội thấy chi phí trồng mới vườn hoa, thảm cỏ, cắt tỉa cây xanh… tăng cao nên giao Văn phòng UBND thành phố mời các phó chủ tịch và đơn vị liên quan đến họp về công tác duy tuy, cắt tỉa cây xanh.

Về mối quan hệ với bị can Mận, ông Chung khai quen từ khi thuê anh ta trồng, chăm sóc cây xanh ở nhà. Thế nhưng đó là quan hệ cá nhân, ông không can thiệp hay giới thiệu Mận trồng cây xanh ở Hà Nội. Ông cũng không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ Trung hay nhận “số cây trị giá hơn 1,2 tỷ đồng” từ Mận như lời khai của những người này.

Nhập lậu cây từ Trung Quốc về trồng ở Hà Nội

Kết luận xác định, năm 2016, Hoàng Đình Văn, Giám đốc Công ty XNK Hoàng Anh Phát, được Nghĩa hỏi mua cây chà là, bàng Đài Loan về trồng ở Hà Nội. Tuy nhiên, công ty của Văn chưa được cấp phép kinh doanh cây có bầu đất nên không thể nhập về bán cho Nghĩa.

Văn sau đó liên hệ với một người Trung Quốc để nhập lậu cây chà là và bàng Đài Loan theo đường sông Ka Long, thành phố Móng Cái. Hàng về, Văn thuê vận chuyển tới Hà Nội.

Theo cơ quan điều tra, Văn chỉ đạo kế toán xóa hết dữ liệu trong máy tính nên cảnh sát không thể trích xuất đầy đủ. Nhưng dựa vào tài liệu thu thập được, C03 kết luận, Văn bán đã bán cho Nghĩa hơn 24 tỷ đồng tiền cây và hưởng lợi bất chính hơn 1,6 tỷ đồng.

Danh sách 15 người bị đề nghị truy tố:

Ông Nguyễn Đức Chung về tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

8 người bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí: Đỗ Khắc Tú Anh, cựu phó phòng Tài chính kế toán, Ban Duy tu; Vũ Kiên Trung, cựu Chủ tịch Công ty Cây xanh; Nguyễn Xuân Hanh, cựu Tổng giám đốc Công ty Cây xanh; Bùi Phương Thảo, cựu kế toán trưởng Công ty Công viên cây xanh; Đỗ Quang Tiến, cựu giám đốc xí nghiệp sản xuất cây canh thuộc Công ty Cây xanh; Nguyễn Thị Ngọc Lâm, cựu thẩm định viên Công ty Cổ phần định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam; Bùi Văn Mận, cựu Giám đốc Công ty Sinh Thái Xanh; Hoàng Thị Kim Loan, cựu Phó giám đốc Công ty Sinh Thái Xanh.

Hai người bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước: Nguyễn Tuấn Nghĩa, cựu Giám đốc Công ty Vì Nhân Dân và Công ty Xanh Hòa Lạc; Kiều Thị Thúy, cựu kế toán hai công ty này.

Hoàng Đình Văn, cựu giám đốc Công ty Hoàng Anh Phát, bị đề nghị truy tố tội Buôn lậu.

Đỗ Anh Tuấn, cựu giám đốc Ban Duy tu, bị đề nghị về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai người bị đề nghị truy tố về tội In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước: Đỗ Thị Hạnh và Nguyễn Thị Ngữ, kinh doanh tự do.

Phạm Dự

Nguồn bài viết