Thảm án 18 cái chết oan vì người đàn bà mê tín

Trung QuốcÔm suy nghĩ “giết người để tránh tai họa”, Đỗ Nhuận Quỳnh cùng con trai lập mưu hạ độc khắp nơi, khiến 18 người tử vong, năm 1995.

Từ tháng 6/1995, tại thị trấn Kim Lợi, thành phố Cao Yếu, tỉnh Quảng Đông, xảy ra nhiều vụ vật nuôi chết hàng loạt, sau đó có hai người dân đột tử. Bệnh viện địa phương không có lời giải thích chắc chắn về nguyên nhân tử vong. Người dân Kim Lợi lo sợ, bất an trước tin đồn rằng đây là một căn bệnh lạ có khả năng lây nhiễm.

Ngày 14/8/1995, hai mẹ con đột ngột ngã ra đường, tử vong khi đang đi trên phố khiến người dân thêm hoang mang. Họ tin rằng bệnh lạ do nhà máy luyện vàng Lợi Tinh gây ra. Lợi Tinh là đơn vị do chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư để thúc đẩy kinh tế, nhưng không lâu sau khi nhà máy này bắt đầu khai thác, luyện chế vàng ở thị trấn Kim Lợi, lúa mạch non và cá con chết hàng loạt, sau đó đến lượt người dân gặp nạn.

Dân làng đều cho rằng nhà máy Lợi Tinh gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến bệnh lạ. Cán bộ thôn dẫn đầu dân làng đến nhà máy đòi giải thích, cầm cuốc xẻng dọa đập phá. Đại diện nhà máy cho rằng nguyên nhân tử vong chưa được làm rõ, chưa chắc do họ gây ra. Chính quyền phải điều lực lượng an ninh đến ngăn cản xung đột, tạm thời ổn định tình hình. Sau đó, hàng nghìn người dân Kim Lợi cùng kiến nghị đóng cửa mỏ vàng.

Nhà chức trách muốn tìm ra nguyên nhân của căn bệnh lạ, nhưng gặp trở ngại do người nhà nạn nhân không đồng ý khám nghiệm tử thi.

Trong vòng vài ngày, Kim Lợi lại thêm vài người chết khiến dân làng sợ hãi tột độ, nhiều gia đình bắt đầu đi ở nhờ nhà người thân và bạn bè nơi khác, chạy khỏi thị trấn.

Ngày 27/8, khi điều tra lượng lớn cá chết bất thường trong một ao cá, cảnh sát tìm thấy nhiều chai hóa chất diệt chuột tetramine gần hiện trường. Từ đó, một số ý kiến suy đoán có người cố tình đầu độc. Tuy nhiên, vụ việc còn nhiều điểm nghi vấn về mục đích hạ độc quy mô lớn của thủ phạm, các nạn nhân ở nhiều gia đình khác nhau, có gia đình ăn uống chung nhưng người bị trúng độc người thì không.

Đội điều tra không có manh mối nên chỉ có thể tăng cường tuần tra trong thị trấn và tìm kiếm những kẻ khả nghi. Tuy nhiên, trong vài tuần, hiện tượng gia súc, gia cầm và cá chết hàng loạt vẫn tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương.

Ngày 16/9, một cậu bé đột tử sau khi ăn cháo mua ở cửa hàng bán đồ ăn nhanh trong làng vào nửa tiếng trước. Điều kỳ lạ là cậu bé và mẹ ăn chung bát cháo, người mẹ không hề hấn gì còn cậu bé có biểu hiện co giật toàn thân.

Cảnh sát muốn giải phẫu thi thể để tìm nguyên nhân, nhưng vì bản thân không sao, bà mẹ cho rằng con chết vì ô nhiễm từ nhà máy Lợi Tinh nên kiên quyết không đồng ý khám nghiệm tử thi. Dù vậy, qua triệu chứng của cậu bé, các chuyên gia của tỉnh Quảng Đông có thể phán đoán sơ bộ rằng nạn nhân bị trúng độc.

Lúc đó, số ca tử vong vì “bệnh lạ” đã lên tới con số 12, 83 người khác nhập viện vì ngộ độc, triệu chứng từ nhẹ đến nặng, không rõ nguyên nhân cụ thể.

Bộ Công an yêu cầu toàn ngành vào cuộc, điều tra toàn diện những người có dấu hiệu mắc bệnh lạ gần đây. Tuy nhiên, họ chỉ tìm thấy một lượng nhỏ hóa chất diệt chuột fluoroacetamide trong dạ dày của một số con gà.

Đến tháng 10/1995, nhận thấy ngày càng nhiều người chết, một số thành viên có uy tín trong gia tộc quyết định hợp tác với cơ quan chức năng, thuyết phục được gia đình của những người đã khuất đồng ý khám nghiệm thi thể.

Ngày 17/10, đội điều tra lấy mẫu xét nghiệm từ sáu nạn nhân, chuyển đến trung tâm giám định chất độc của Bộ Công an. Sau hơn một tháng, kết quả xét nghiệm cho thấy vụ tử vong quy mô lớn ở thị trấn Kim Lợi chủ yếu là do chất fluoroacetamide và natri fluoroacetate, thường có trong thuốc diệt chuột.

Sau khi xác định đây là một vụ đầu độc, cảnh sát tập trung phá án, nhận được manh mối quan trọng từ một nhân viên phục vụ quán ăn ở Kim Lợi. Nhân viên này cho biết vào một ngày giữa tháng 11, cô nhìn thấy một phụ nữ lén bỏ thứ gì đó vào ấm đun nước trong cửa hàng sau khi ăn sáng xong. Qua kiểm tra, chiếc ấm chứa lượng lớn chất fluoroacetamide và kẽm photphua.

Ngay sau đó, cảnh sát tiến hành sàng lọc tất cả phụ nữ địa phương trong bán kính vài km, có vẻ ngoài chất phác, được hàng xóm đánh giá tốt. Họ cho rằng nghi phạm hạ độc suốt năm tháng nhưng không bị phát hiện, không bị ai nghi ngờ, cho thấy cô ta là người rất giỏi che giấu bản thân.

Sau nhiều vòng tra xét, nghi phạm được nhân viên cửa hàng xác định là Đỗ Nhuận Quỳnh, 42 tuổi, chỉ học hết lớp 3, là nông dân ở thị trấn Kim Lợi. Cảnh sát bắt Quỳnh và con trai cả tên Thang Hữu Hoa, 19 tuổi, vào ngày 7/12/1995.

Tại nhà Quỳnh, cảnh sát tìm thấy những đồ vật khả nghi như ba lô, gạo và nồi nhôm. Sau khi giám định, họ xác nhận một cân gạo đã được Quỳnh trộn sẵn chất độc. Cô ta dùng nồi nhôm để trộn, sau đó đựng trong ba lô mang đi gây án.

Khi bị thẩm vấn, Quỳnh thú nhận việc hạ độc, nhưng tỏ ra rất bình tĩnh, không nghĩ mình có tội.

Quỳnh khai rằng thường xuyên đến chùa lễ Phật và gieo quẻ, xin xăm. Trước đó, Quỳnh xin được hai thẻ xăm, thẻ thứ nhất viết “tiêu trừ nỗi lo trước mắt, ngày vui sẽ đến, không lo tai ương”, và thẻ thứ hai là “nhường giang sơn, giữ lấy ánh sáng”.

Khi trở về nhà, Quỳnh suy nghĩ mãi về hai thẻ xăm này và tự lý giải theo cách riêng. Cô ta cho rằng thẻ đầu tiên có ý chỉ dẫn “diệt trừ kẻ xấu trong xã hội, làm vậy mới có thể tránh được tai ương”. Thẻ thứ hai được Quỳnh hiểu rằng “nếu không hành động ngay sẽ mất tất cả”.

Quỳnh nảy suy nghĩ đầu độc người xung quanh để bản thân tránh tai họa. Cô ta thuyết phục con trai giúp mình “tích đức”. Từ tháng 6/1995, hai mẹ con bắt đầu đổ thuốc trừ sâu methamidophos vào ao cá, sau đó mua thuốc diệt chuột có chứa fluoroacetamide và natri fluoroacetate phun lên rau, cho gia súc uống, rải cám, gạo trộn thuốc độc khắp nơi.

Để tiện mang theo, Quỳnh mua 2.300 chai tetramine rỗng để đựng thuốc trừ sâu. Chính vì vậy, dù cảnh sát phát hiện chai rỗng bên cạnh ao cá nhưng nhiều lần xét nghiệm nước ao, nước uống của người và động vật cũng không tìm thấy thành phần tetramine.

Hai mẹ con thường lén hạ độc vào ban đêm nên không bị phát hiện. Sau đó, Quỳnh bắt đầu bỏ thuốc độc trực tiếp vào bếp nhà dân, trên bàn thịt ngoài chợ hoặc cửa hàng ăn trong thị trấn, cho đến khi bị nhân viên phục vụ nhìn thấy.

Trong hơn năm tháng gây án, hai mẹ Quỳnh khiến 163 người trúng độc, trong đó có 18 người tử vong, ngoài ra còn có 243 con lợn, hơn 3.000 con gà, hơn 300 con cá và các loại gia súc khác bị trúng độc chết, gây thiệt hại kinh tế hơn 2,8 triệu nhân dân tệ.

Ngày 26/12/1995, mẹ con Quỳnh bị kết án tử hình vì tội đầu độc.

Tuy nhiên, Quỳnh kháng cáo vì cho rằng hành vi của mình là để tránh tai họa chứ không phải cố ý giết người, đề nghị tòa giảm án.

Tòa án tối cao của tỉnh Quảng Đông giữ nguyên phán quyết ban đầu. Bản án được thi hành ngày 8/1/1996.

Tuệ Anh (Theo Sohu, Zhihu)

Nguồn bài viết