Lương hưu chệch ‘đường ray’

Cuộc giằng co ba thập kỷ

Năm 2003, vừa hết Tết, hàng nghìn công nhân nhà máy Samyang, TP HCM, bãi công. Làn sóng ngừng việc lan sang Công ty Carimax và Công ty Pou Yuen Việt Nam.

Cuộc phản đối bắt nguồn từ việc Chính phủ ra nghị định truất quyền được rút BHXH một lần của lao động nghỉ việc mà chưa đến tuổi hưu. Công nhân lập luận Bộ luật Lao động 2002 (sửa đổi) – văn bản pháp luật cao nhất, vẫn giữ quy định cho nhận trợ cấp một lần. Như vậy, nghị định trái luật.

Trước áp lực của công nhân, ngay trong tháng sau, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành thông tư hướng dẫn “ngược” với nghị định, giúp “hồi sinh” quy định cho rút BHXH một lần.

Nguyên Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng, người ký thông tư, lý giải sự thay đổi này phù hợp với mong muốn và lương bổng của người lao động thời điểm đó. Đây có thể không phải quyền lợi cao nhất, nhưng thuận tiện và tốt nhất cho họ.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội, đánh giá việc tiếp tục cho phép rút BHXH một lần khi đó chưa tác động lớn đến chính sách. Bởi lao động ở doanh nghiệp tham gia chưa nhiều, chủ yếu vẫn là cán bộ, công chức, viên chức với tính ổn định cao.

Thế nhưng, ngã rẽ sai lầm khi đó vẫn được duy trì trong Luật BHXH 2006. Cuộc giằng co giữa người lao động và chính quyền tiếp tục kéo dài, thường bắt đầu bằng cuộc đình công và sau cùng là sự thoả hiệp với công nhân. Lợi ích trước mắt được giải quyết, để lại bài toán phúc lợi lâu dài cho thế hệ sau.

Từ khi Luật BHXH mới có hiệu lực năm 2007, số người rời hệ thống liên tục tăng. Từ 2012 đến 2014, số rút BHXH gần gấp đôi lượng gia nhập, báo động đỏ cho mạng lưới an sinh. Vấn đề hạn chế rút BHXH một lần nữa được Quốc hội đặt lên bàn nghị sự, quyết tâm bãi bỏ tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Lịch sử lặp lại. Hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam ở TP HCM đình công phản đối quy định mới.

Chị Nguyễn Thị Liên khi ấy 33 tuổi, chưa từng chứng kiến cuộc đình công nào lớn như ngày 26/3/2015. Các con đường quanh nhà máy tắc nghẽn, giao thông tê liệt.

“Công nhân ngừng việc vì không đồng tình về chế độ chính sách của Luật BHXH mới. Công nhân mong muốn trợ cấp một lần phải được thực hiện như quy định hiện nay”, tiếng loa phát thanh của công ty lặp đi lặp lại, thay cho những thông báo nội bộ hàng ngày.

Chị Liên vốn không để tâm đến ngã rẽ nào khác ngoài lương hưu, kể từ ngày đi làm. Nhưng làn sóng đình công giúp chị nhận ra ý nghĩa của lựa chọn thứ hai này.

Cuộc ngừng việc kéo dài 6 ngày. Công nhân bức xúc. Nhà máy bất lực. Sản xuất “đóng băng”. Đối thoại giữa ngành chức năng với người lao động ngay tại công xưởng rơi vào bế tắc.

Từ Pou Yuen, làn sóng phản đối lan ra nhiều nhà máy khác ở TP HCM và phía Nam. Trong buổi đối thoại cuối cùng, Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phải xoa dịu người lao động với lời hứa báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho rút bảo hiểm một lần.

Cuộc đối thoại năm 2015 giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với hàng nghìn công nhân Pou Yuen sau 6 ngày đình công

Trước sức ép của người lao động, UBND TP HCM, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem lại Điều 60.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội Quốc hội), kịch liệt phản đối khi kiến nghị tạm hoãn Điều 60 được đưa ra. Quan điểm của ông là chỉ người đến tuổi hưu nhưng chưa đủ năm đóng bảo hiểm, mắc bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài định cư mới được nhận trợ cấp một lần.

“Lương hưu vẫn là tốt nhất cho người lao động. Nếu tiếp tục cho phép rút BHXH một lần, mục tiêu an sinh, BHXH toàn dân không thể thực hiện được”, ông Lợi dự báo.

Tuy nhiên, ý kiến của ông không thắng được áp lực từ người lao động. Điều 60 bị “khai tử”. Các đại biểu đã đồng thuận cho người lao động được rút BHXH một lần sau một năm nghỉ việc bằng Nghị quyết 93, kéo dài đến nay.

“Tính kế thừa là sợi dây duy nhất níu kéo chính sách BHXH một lần”, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ Phó Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thừa nhận. Hầu hết các nước, việc trả trợ cấp một lần chỉ được thực hiện khi lao động đến tuổi hưu mà không đủ điều kiện hưởng hưu trí. Ở Việt Nam, đây lại trở thành thói quen xấu của người lao động, dẫn đến mọi thay đổi đều bị phản ứng.

“Khi nhận ra bất cập này, đáng lý phải đóng lại ngay điều khoản cho rút một lần. Nhưng vì nhiều lý do đã kéo dài đến nay. Giờ đây sửa đổi rất khó”, ông Cường nói.

Nhìn lại quyết định khi ấy, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng thừa nhận, đáng lẽ nên tìm các giải pháp giúp đỡ lao động mất việc gặp khó khăn, hoặc chỉ cho rút một tỷ lệ nhất định. “Cho rút toàn bộ, lao động rời khỏi hệ thống BHXH sẽ gây mất an toàn cho chính họ và toàn xã hội”, bà nói.

Làn sóng rời bỏ

Ba năm kể từ cuộc đình công lịch sử của Pou Yuen, chị Liên nghiêm túc suy nghĩ về việc rút BHXH một lần sau khi phải gánh khoản nợ xây nhà. Năm ngoái, khi còn 3 tháng là đủ 20 năm đóng bảo hiểm, tức đáp ứng điều kiện để hưởng lương hưu, chị quyết định thôi việc ở tuổi 41. Người mẹ hai con đắn đo do tiếc lương thâm niên gần 10 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng xung quanh đồng nghiệp rủ nhau nghỉ, nhiều người nhận được cả trăm triệu đồng, chị hạ quyết tâm.

“Tuổi hưu còn lâu mới đến nhưng khoản nợ xây nhà cần phải trả sớm”, chị Liên lý giải. 180 triệu đồng trợ cấp một lần là số tiền lớn nhất chị từng có từ khi đi làm.

Không riêng chị Liên, trung bình mỗi tháng Pou Yuen có 500-600 người nghỉ việc, hầu hết để chờ nhận trợ cấp một lần.

Hơn 30 năm trước, BHXH được mở rộng để mạng lưới an sinh bao phủ ra lao động ngoài quốc doanh. Nhưng giờ đây, chính họ đang chọn rời bỏ hệ thống. Trong tổng số người rút BHXH một lần, 90% là lao động ngoài nhà nước. Hầu hết chọn rời đi ở độ tuổi sung sức nhất – 21 đến 40, khiến Quỹ BHXH hao hụt hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Khảo sát hơn 1.300 công nhân của Liên đoàn lao động TP HCM cuối năm 2021 về lựa chọn sau khi mất việc, số người rút “một cục” chiếm hơn 62%, chỉ 19% nói “không” và gần 19% trả lời “chưa biết”. Bốn lý do công nhân đưa ra là: cần tiền lo cho gia đình, nhận trợ cấp một lần lợi hơn chờ lương hưu, không tin tưởng vào chính sách hưởng sau này, và không thể tiếp tục đóng.

Nguồn bài viết