Mạng lưới cảng biển giúp Trung Quốc vươn ảnh hưởng

Sở hữu và vận hành gần 100 cảng ở hơn 50 quốc gia, tầm ảnh hưởng và lợi ích của Trung Quốc không ngừng được mở rộng trên toàn cầu.

Trong vài năm qua, giới chức an ninh quốc gia Mỹ đã quan tâm nhiều hơn tới sức mạnh ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc. Trong bản đánh giá mối đe dọa hàng năm của Mỹ hồi tháng 2, Washington mô tả Bắc Kinh là “đối thủ cạnh tranh gần ngang hàng”.

Trung Quốc không có mạng lưới căn cứ quân sự cùng lực lượng triển khai ở nước ngoài như Mỹ. Thay vào đó, Bắc Kinh âm thầm gia tăng ảnh hưởng bằng mạng lưới gần 100 cảng biển thương mại mà các công ty Trung Quốc sở hữu và vận hành trên toàn cầu.

Hoạt động chính của mạng lưới cảng biển này là duy trì thương mại quốc tế, song những cơ sở hạ tầng quan trọng đó cũng có thể hỗ trợ các hoạt động toàn cầu của quân đội Trung Quốc (PLA), theo Isaac Kardon, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington, và Wendy Leutert, giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế Hamilton Lugar thuộc Đại học Indiana, Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tại cảng Piraeus, Hy Lạp hồi tháng 11/2019. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tại cảng Piraeus, Hy Lạp hồi tháng 11/2019. Ảnh: Reuters

Các cảng thương mại thường không được thiết kế cho hoạt động quân sự phức tạp, nhưng hầu như chúng đều có thể được sử dụng để phục vụ một số nhiệm vụ nhất định.

Theo nghiên cứu của chuyên gia Kardon và Leutert, tàu chiến của hải quân PLA đã thường xuyên sử dụng hàng chục cảng biển ở nước ngoài do các công ty Trung Quốc vận hành. Tại các cảng này, tàu quân sự Trung Quốc thường vào tiếp liệu, lấy thêm đồ cung ứng và thậm chí bảo trì, sửa chữa.

Một số cảng đã được sử dụng cho những mục đích đó như Dar es Salaam ở Tanzania hay Piraeus của Hy Lạp. Mạng lưới cảng thương mại của Trung Quốc đã tiếp tế hậu cần và các hỗ trợ cần thiết để duy trì khả năng tiến hành nhiệm vụ xa bờ của PLA.

Nỗ lực mở rộng mạng lưới cảng biển toàn cầu của Trung Quốc đầu tiên xuất phát từ mục tiêu kinh tế. Hơn 90% thương mại của Trung Quốc vận chuyển bằng đường biển, vượt xa mức trung bình toàn cầu 80%. Các cảng biển trên toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nhập khẩu năng lượng, khoáng sản, nông nghiệp và nhiều mặt hàng khác của Trung Quốc.

Ngoài ra, các bến container và tàu container lớn cũng giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các hàng hóa mà Trung Quốc sản xuất. Vai trò quan trọng của thương mại quốc tế đối với mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc đã dần đưa Bắc Kinh trở thành bên đứng đầu trong ngành vận tải hàng hải toàn cầu.

Theo dữ liệu của Drewry Maritime Research, tính đến năm 2022, các công ty Trung Quốc sở hữu và vận hành ít nhất một bến tại 36 cảng trong danh sách 100 cảng biển hàng đầu thế giới. Tới cuối năm 2022, các công ty Trung Quốc đã giành được quyền sở hữu hoặc cổ phần hoạt động tại 95 cảng ở 53 quốc gia trên khắp các châu lục.

Nhưng ngoài mục tiêu kinh tế, nỗ lực mở rộng mạng lưới cảng biển của Trung Quốc còn được thúc đẩy bởi các ưu tiên chiến lược. Bắt đầu từ cuối những năm 1990, Trung Quốc đã xem việc thiết lập vị thế mạnh mẽ trên các thị trường toàn cầu là mục tiêu chính sách đối ngoại trọng tâm, cung cấp ưu đãi và hỗ trợ các công ty nước này mở rộng trong lĩnh vực cảng biển và vận tải hàng hải.

Năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy nỗ lực với Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhằm kết nối Trung Quốc với thế giới thông qua thương mại, đầu tư và cơ sở hạ tầng. Những chính sách này giúp các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực cảng biển từng bước phát triển, trở thành những đơn vị hàng đầu toàn cầu.

Trong chiến lược quân sự quốc gia năm 2015, chính phủ Trung Quốc giao cho PLA “nhiệm vụ chiến lược” để bảo vệ dòng chảy thương mại và lợi ích của quốc gia này ở nước ngoài.

Các cảng thương mại đã trở thành nền tảng hậu cầu quan trọng cho hoạt động của PLA trên toàn cầu, theo chuyên gia Kardon và giáo sư Leutert. Ngoài là cơ sở để tiếp liệu, bổ sung trang thiết bị, sửa chữa hay bảo trì tàu quân sự, các cảng biển cũng có thể giúp tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo cho Bắc Kinh, bởi các nhà khai thác cảng Trung Quốc sẽ nắm được thông tin độc quyền về hoạt động của các tàu và giao dịch thương mại.

Do các cảng mà Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát thường được đặt gần các căn cứ quân sự của nước sở tại như tại Haifa ở Israel, chúng cung cấp các địa điểm thuận lợi để quan sát hoạt động, nhân sự của quân đội nước khác.

Mạng lưới cảng biển tập trung nhiều nhất dọc theo các tuyến đường biển thương mại kết nối Trung Quốc với các nguồn nhập khẩu tài nguyên như Trung Đông và châu Phi, cũng như các thị trường xuất khẩu chính ở Địa Trung Hải. Hơn một nửa số cảng biển nước ngoài mà một công ty Trung Quốc nắm cổ phần nằm dọc theo tuyến đường biển nối từ Trung Quốc qua Biển Đông và eo biển Malacca, qua Ấn Độ Dương, nối với Vịnh Ba Tư hoặc chảy qua Biển Đỏ và kênh đào Suez vào Địa Trung Hải.

PLA và giới phân tích gọi tuyến đường biển Đông – Tây này “huyết mạch hàng hải” của Trung Quốc, bởi nó kết nối quốc gia này với thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ ở châu Âu, cũng như với các nguồn nhập khẩu tài nguyên từ Vịnh Ba Tư và châu Phi.

Chính phủ Trung Quốc gọi việc đảm bảo các tuyến đường dọc theo huyết mạch này là “nhiệm vụ chiến lược” của PLA. Khoảng 57% dự án cảng ở nước ngoài thường nằm gần các nút thắt hàng hải lớn như eo biển Hormuz và eo biển Malacca. Các cảng do công ty Trung Quốc điều hành trải rộng khắp toàn cầu giúp hải quân nước này có thể giám sát và ngăn chặn các dòng chảy thương mại, hải quân giữa các vùng biển lớn của thế giới.

Một số quốc gia khác như Pháp hay Nhật Bản cũng sở hữu và vận hành mạng lưới cảng lớn và các hãng tàu trên khắp thế giới. Tuy nhiên, điều tạo nên khác biệt là Trung Quốc có khả năng kiểm soát và đưa mục tiêu an ninh vào hoạt động của các công ty trong và ngoài nước.

Tàu nghiên cứu Yuan Wang 5 (phải) của Trung Quốc cập cảng nước sâu Hambantota, miền nam Sri Lanka hồi tháng 8/2022. Ảnh: AFP

Tàu nghiên cứu Yuan Wang 5 (phải) của Trung Quốc cập cảng nước sâu Hambantota, miền nam Sri Lanka hồi tháng 8/2022. Ảnh: AFP

Năm 2019, quan chức quốc phòng Trung Quốc cho biết nước này có khoảng 40.000 doanh nghiệp ở nước ngoài, đầu tư bên ngoài vào nước này vượt 7 nghìn tỷ USD. Hơn một triệu công dân Trung Quốc làm việc ở nước ngoài và khoảng 140 triệu người xuất cảnh để du lịch mỗi năm.

Khi lợi ích của Trung Quốc ngày càng mở rộng trên toàn cầu, Bắc Kinh cũng phải tìm cách bảo vệ chúng. Và mạng lưới cảng biển là công cụ hữu hiệu có thể giúp Trung Quốc làm điều đó.

“Mạng lưới cảng thương mại ở nước ngoài của Trung Quốc đã tạo ra hình thức triển khai sức mạnh mới. Trong tương lai, PLA sẽ tập trung vào cách mà các cảng có thể hỗ trợ cho những hoạt động xa bờ ngày càng tăng của họ”, Kardon và Leutert nhận định.

Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo Bắc Kinh có thể đối mặt với những “cơn gió ngược” nếu triển khai các hoạt động quân sự phức tạp thông qua các cảng thương mại. Họ cho rằng sức mạnh của Trung Quốc sẽ bị hạn chế bởi chính quyền nước sở tại và dễ tổn thương trước các lực lượng quân sự nước ngoài trong trường hợp xảy ra chiến tranh hoặc khủng hoảng.

Chính phủ nước sở tại có thể đình chỉ hoạt động của cảng biển, kiểm soát đáng kể hoặc quốc hữu hóa các cơ sở của Trung Quốc nếu xung đột nổ ra. Do đó, hai nhà phân tích Kardon và Leutert tin rằng PLA chắc chắn sẽ tiếp tục nỗ lực thiết lập các căn cứ chuyên biệt hơn cho mục đích quân sự ở nước ngoài, thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào mạng lưới cảng thương mại hiện nay.

Thanh Tâm (Theo Foreign Affairs)


Nguồn bài viết