Rụng tóc dẫn đến hói đầu: Nguyên nhân do đâu & giải pháp lý tưởng là… | Bí quyết khỏe và đẹp

Tóc rụng là một trong những biểu hiện mà cơ thể muốn thông báo những bất ổn bên trong. Nếu bỏ mặc, tóc rụng quá mức sẽ dẫn đến hói đầu.

Rụng tóc nhiều đến mức không kiểm soát là nguyên nhân chính dẫn đến hói đầu. Qua trận đại dịch, số lượng người hói đầu càng nhiều hơn. Nhưng những nguyên nhân thường nhật cũng đóng góp không ít đến việc tóc rụng tả tơi.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rụng tóc hói đầu ở nữ

Ngoài yếu tố di truyền và bẩm sinh vốn thưa tóc, thì thói quen sinh hoạt cũng như cách chăm sóc da đầu/ tóc cũng là nguyên nhân khiến tóc rụng & hói. Cụ thể là:

1. Làm sạch da đầu và tóc không đúng cách:

Bạn nên rửa sạch tóc và da dầu bằng nước mát hoặc nước ấm để cuốn trôi bớt lớp bụi bẩn trước khi dùng dầu gội. Đổ dầu gội trực tiếp lên da đầu mà không tạo bọt sẵn khiến cho các chất tẩy rửa phân bổ không đồng đều. Điều này làm cho tóc có nơi chưa được sạch; cũng như có khu vực tiếp xúc với hoạt chất trực tiếp dễ dẫn đến hói đầu.

Sử dụng nước nóng (nhiệt độ trên 40 độ C) khiến nang tóc bị ảnh hưởng và trở nên yếu đi, đồng thời cấu trúc sợi tóc cũng bị tổn thương dẫn đến gãy rụng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tập trung làm sạch phần da đầu trong quá trình gội đầu thay vì chỉ tập trung vào tóc hay ngọn tóc. Bởi lẽ da đầu là nơi tiết dầu khiến tóc nhanh bết và bẩn, nếu không được làm sạch sẽ khiến các tạp chất gây ra các vấn đề viêm và hư tổn nang tóc.

Làm sạch da đầu cũng cần quan tâm đến tác động lực trong thao tác gội đầu. Bạn nên sử dụng phần thịt của ngón tay gãi nhẹ lên da đầu hoặc sử dụng các dụng cụ lược gội đầu chuyên dụng để giảm việc cọ sát gây đứt gãy tóc. Bôi dầu xả ở phần chân tóc cũng là nguyên nhân khiến tóc nhanh bết, dễ rụng tóc và dẫn đến hói đầu.

2. Sử dụng các sản phẩm chứa nhiều silicone:

Silicone (hay cũng thường được biết đến Dimethicone) là thành phần thường thấy trong các sản phẩm chăm sóc tóc với công dụng chính là tạo độ mượt mà cho tóc. Tuy nhiên silicone khi bám trên sợi tóc sẽ tạo độ nặng và kéo ghì xuống khiến tóc dễ gãy rụng. Silicone khi bám vào da đầu gây bít tắc, làm da dầu không thông thoáng khiến tóc yếu và da đầu dễ gặp vấn đề.

3. Tóc yếu do nhuộm tẩy và tạo kiểu bằng nhiệt thường xuyên

Một số gam màu tóc thời trang cần phải tẩy tóc và điều đó làm sợi tóc yếu đi do mất lượng keratin vốn có. Đồng thời, tiếp xúc với hóa chất nhuộm tóc còn khiến da đầu tăng độ nhạy cảm, dễ viêm, dễ xuất hiện nấm và làm khả năng giữ tóc trên da đầu yếu dần. Thế nên hãy hạn chế để tóc tiếp xúc với những hóa chất tẩy nhuộm, hoặc chí ít hãy lựa những màu tóc không cần tẩy để giảm thiểu tối đa nguyên nhân gây rụng tóc.

Bên cạnh đó, việc tạo kiểu tóc thông qua việc uốn duỗi thường xuyên cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ của sợi tóc. Hãy chọn chế độ sấy lạnh và để tóc khô tự nhiên để tránh nhiệt độ cao làm ảnh hưởng đến tóc. Trong trường hợp phải tạo kiểu bằng nhiệt, bạn hãy chọn các sản phẩm dầu dưỡng để phủ lên lớp bảo vệ cho tóc ít bị hư tổn hơn.

4. Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý:

Tim, não, gan, thận… là những cơ quan được cơ thể ưu tiên nhận dinh dưỡng và Da & tóc là hai cơ quan cuối cùng. Chính vì vậy, chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp sẽ khiến da và tóc dễ xuất hiện vấn đề. Đối với việc rụng tóc hói đầu thì có thể cơ thể đang thiếu hụt biotin (vitamin H, hay còn gọi là B7 hoặc B8), vitamin D, kẽm hay selen. Bạn hãy bổ sung đầy đủ các loại dinh dưỡng qua khẩu phần ăn hàng ngày hoặc gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn.

5. Rối loạn nội tiết & căng thẳng

Hormone trong cơ thể không cân bằng và lượng estrogen hao hụt do căng thẳng, sử dụng thuốc điều trị, trong quá trình mang thai, phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh… là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc và hói đầu. Đồng thời, trong lúc căng thẳng bạn có thể vô thức vò đầu và bức tóc – đây cũng là nguyên nhân khiến tóc rụng nhiều khi chúng ta stress. Hãy liên hệ với bác sĩ, cân bằng lại cuộc sống để vấn đề nội tiết dần được cải thiện và hói đầu cũng có thể được kiểm soát.

Những phương pháp bổ sung giúp giảm tình trạng hói đầu ở nữ

Trước khi trải nghiệm phương pháp dưới đây, bạn có thể thay đổi những thói quen không tốt trong quá trình chăm sóc tóc đồng thời cân bằng lại chế độ dinh dưỡng & tâm trạng để tóc và da đầu khỏe mạnh tự nhiên. Trong trường hợp bất khả dĩ, bạn có thể tham khảo:

1. Sử dụng thuốc đặc trị

Các chế phẩm từ thuốc có chứa Minoxidil, Finasteride, Dutasteride (cho nam), thuốc tránh thai và Spironolactone (cho nữ) thường được bác sĩ kê toa trong việc điều trị hói đầu. Tuy nhiên bạn nên lưu ý tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng những sản phẩm đường uống để hạn chế rủi ro. Vì những thành phần này thường tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe người dùng.

2. Cấy tóc

Trên thị trường hiện nay có hai phương pháp cấy tóc phổ biến: tóc sinh học và tóc tự thân. Mang ưu điểm nhanh, ít chi phí hơn và ít đau đớn hơn nhưng cấy tóc sinh học thường khiến chân tóc ở da đầu dễ viêm, cũng như xuất hiện hiện tượng đào thải do không tương thích nên tóc cấy sẽ không bền lâu. Cấy tóc tự thân là lấy nang tóc ở những khu vực khỏe mạnh lên vùng da đầu bị hói nên đem đến hiệu quả hơn và bền hơn. Song, phương pháp này có chi phí thực hiện cao, tốn nhiều thời gian và đau hơn.

3. Chiếu laser năng lượng thấp

Laser năng lượng thấp (Low Level Laser Light) sẽ sử dụng bước sóng từ 500-1100nm. Cơ chế hoạt động của phương pháp này là rút ngắn thời gian rụng tóc, đồng thời kéo dài thời mọc & phát triển tóc và tăng sinh nang tóc. Ưu điểm của trị hói đầu bằng laser năng lượng thấp là không xâm lấn, an toàn và không cần nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, bạn cần đến trung tâm điều trị nhiều buổi trong tuần để thực hiện việc chiếu đèn laser và không khuyến khích dùng phương pháp này cho phụ nữ mang thai, người đang mắc chứng ung thư và các vấn đề liên quan đến tuyến giáp.

Trong trường hợp đã thử hết mọi cách nhưng tình trạng hói đầu vẫn không thuyên chuyển, bạn nên đến gặp bác sĩ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Có thể rụng tóc là cách cơ thể nhắc nhở về những bất ổn bên trong.



Nguồn bài viết