Triều Tiên phô diễn công nghệ với ICBM nhiên liệu rắn

Triều Tiên thể hiện năng lực kỹ thuật nhảy vọt khi phóng ICBM nhiên liệu rắn Hwasong-18, nhưng có thể cần thêm nhiều vụ thử để hoàn thiện công nghệ này.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-18 trong vụ phóng hôm 13/4. KCNA cho hay Hwasong-18 là tên lửa mang động cơ nhiên liệu rắn đa tầng hiệu suất cao, trang bị công nghệ tách tầng và hệ thống điều khiển có độ tin cậy cao.

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên thử thành công ICBM sử dụng nhiên liệu rắn sau nhiều năm phát triển công nghệ này.

“Vụ thử đánh dấu bước nhảy vọt về năng lực tên lửa của Triều Tiên. Nước này đã liên tục hoàn thiện công nghệ kể từ khi bắt đầu chiến dịch phát triển và thử nghiệm hàng loạt tên lửa kể từ năm 2016”, chuyên gia quân sự Mỹ Tyler Rogoway nhận xét.

Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trước đây của Triều Tiên đều sử dụng nhiên liệu lỏng, vốn dễ chế tạo hơn rất nhiều so với tên lửa nhiên liệu rắn. Dù vậy, tên lửa nhiên liệu rắn sở hữu hàng loạt ưu thế vượt trội.

Chúng không mất nhiều thời gian nạp nhiên liệu trước khi phóng, tăng khả năng cơ động, khó bị các hệ thống trinh sát của đối phương phát hiện và có thể triển khai từ nhiều địa điểm khác nhau. Tên lửa nhiên liệu rắn cũng tốn ít thời gian, công sức bảo dưỡng và di chuyển hơn nhiên liệu lỏng.

Tên lửa Hwasong-18 lấy độ cao trong vụ thử hôm 13/4. Ảnh: KCNA

Tên lửa Hwasong-18 lấy độ cao trong vụ thử hôm 13/4. Ảnh: KCNA

Phát triển ICBM dùng nhiên liệu rắn từ lâu đã là một trong những mục tiêu then chốt của Bình Nhưỡng, nhằm tăng khả năng sống sót của lực lượng tên lửa chiến lược khi nổ ra xung đột.

“Tên lửa dùng nhiên liệu rắn là loại vũ khí có sức hấp dẫn đặc biệt với mọi quốc gia sở hữu lực lượng tên lửa hạt nhân quy mô lớn. Chúng không cần nạp nhiên liệu trước khi phóng và có khả năng phản ứng nhanh nhạy với mọi tình huống khủng hoảng”, Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Mỹ, cho hay.

Hình ảnh từ vụ phóng cho thấy tên lửa Hwasong-18 dường như cũng ứng dụng nguyên lý phóng lạnh, công nghệ có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so hình thức phóng nóng truyền thống.

Phóng lạnh và phóng nóng là hai phương pháp được áp dụng trên các hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng nhằm đẩy quả tên lửa ra khỏi bệ. Trong công nghệ phóng lạnh, quả đạn nằm trong ống phóng kín và được đẩy ra ngoài bằng khí nén hoặc động cơ phụ.

Sau khi rời khỏi ống phóng được một đoạn, tên lửa mới kích hoạt động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn để tăng tốc. Yếu tố “lạnh” được hiểu là ống phóng có nhiệt độ thấp hơn nhiều so với luồng khí xả từ động cơ chính của tên lửa.

Ưu điểm lớn nhất của công nghệ phóng lạnh là đảm bảo mức độ an toàn cao cho bệ phóng. Trong trường hợp quả đạn gặp sự cố, nó có thể bắn ra khỏi ống phóng, tránh gây nổ và hư hại tới bệ phóng và các quả đạn xung quanh.

Giới hạn kích cỡ tên lửa cũng được tăng lên với hệ thống phóng lạnh. Quả đạn rất lớn vẫn có thể được phóng ra khoảng cách an toàn rồi mới kích hoạt động cơ chính, tránh nguy cơ luồng phụt lớn phá hủy ống phóng đạn và gây nguy hiểm, nhất là khi nằm trong hệ thống phóng thẳng đứng của tàu chiến và tàu ngầm. Hầu hết ICBM và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) hiện đại đều dùng phương pháp này.

Kích thước bệ phóng lạnh cũng có thể thu nhỏ vì không cần hệ thống thoát khí xả như phương pháp phóng nóng. Điều này giúp thu gọn tổ hợp tên lửa, dễ dàng che giấu dàn phóng trên mặt đất. Các ống chứa đạn chịu ít hư hại hơn sau khi phóng, có thể nhanh chóng được tái chế và lắp tên lửa mới.

Xe chở đạn kiêm bệ phóng của hệ thống Hwasong-18 trước vụ thử ngày 13/4. Ảnh: KCNA

Xe chở đạn kiêm bệ phóng của hệ thống Hwasong-18 trước vụ thử ngày 13/4. Ảnh: KCNA

Giới chuyên gia nói rằng vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ có thể phân biệt tên lửa dùng nhiên liệu rắn và lỏng dựa trên sự khác biệt về phát xạ hồng ngoại của động cơ, giúp Washington xác định phương án phản ứng với từng loại vũ khí. Tuy nhiên, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ vận hành song song cả hai loại tên lửa, nhằm gây khó khăn cho nỗ lực đối phó của Mỹ và đồng minh khi nổ ra xung đột.

KCNA không tiết lộ tham số của tên lửa Hwasong-18, như tầm bắn, độ cao tối đa và thời gian bay.

Giới chức quân đội Hàn Quốc nói rằng trong vụ thử ngày 13/4, quả đạn Hwasong-18 đạt độ cao chưa tới 6.000 km, thấp hơn so với những ICBM được phóng thử hồi năm ngoái, và bay xa khoảng 1.000 km. Tuy nhiên, Triều Tiên thường phóng thử tên lửa ở góc cao để hạn chế tầm bay của nó, nên khoảng cách tấn công thực tế của Hwasong-18 có thể lớn hơn nhiều nếu được phóng ở góc chuẩn.

Tuy nhiên, đây mới là vụ thử đầu tiên với Hwasong-18 và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định Triều Tiên vẫn cần thêm nhiều thời gian và công sức để làm chủ công nghệ ICBM dùng nhiên liệu rắn.

“Triều Tiên có thể tập trung vào thu thập dữ liệu liên quan đến các tầng đẩy trong quá trình bay, thay vì thử nghiệm tên lửa với tầm bắn tối đa trong vụ thử đầu tiên. Đợt thử nghiệm cũng không thể hiện quỹ đạo bay thông thường và Bình Nhưỡng có thể phải tiến hành thêm nhiều nỗ lực tương tự”, Chang Young-keun, chuyên gia tên lửa tại Đại học Hàng không vũ trụ Hàn Quốc, nhận định.

Vũ Anh (Theo Reuters, Drive)

Nguồn bài viết