Vượt khó giành hai học bổng toàn phần tiến sĩ Mỹ

Chăm chỉ kiếm sống để nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu, Nguyễn Quốc Chương, 27 tuổi, cử nhân Vật lý quê An Giang, giành hai học bổng tiến sĩ ở Mỹ.

Quốc Chương nhận tin trúng tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Toán ứng dụng từ Đại học Buffalo và ngành Khoa học máy tính của Đại học Oregon, Mỹ, hồi cuối tháng 2. Chàng trai An Giang chọn vào Đại học Buffalo ở New York với học bổng toàn phần khoảng 30.000 USD một năm (704 triệu đồng). Theo bảng xếp hạng đại học THE, trường trong top 301-350 thế giới và hạng 124 ở Mỹ.

Có bố mẹ làm nghề trông xe tại một khu chợ nhỏ ở thành phố Long Xuyên, em gái mắc bệnh, gia đình Chương khó khăn triền miên. Vì thế, từ nhỏ Chương luôn tiết kiệm và nỗ lực học hành để bố mẹ đỡ vất vả.

Cựu sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM nói chỉ ngủ 4-5 tiếng mỗi ngày. Để duy trì học lực giỏi và giành học bổng 4 triệu đồng mỗi kỳ, Chương thường dậy học từ 5h sáng, buổi tối tiếp tục đến gần 12h đêm. Ngoài ra, Chương làm thêm để có tiền chi tiêu.

Cũng vì thế, Chương từng khá mông lung vào tương lai.

“Tôi tưởng rằng cuộc sống mưu sinh sẽ khiến mình phải gác lại đam mê khoa học”, Chương nhớ lại, cho biết may mắn là Đại học Buffalo nằm ở khu vực có mức sống rẻ thứ ba ở Mỹ.

Quốc Chương tại một hội nghị ở Singapore, tháng 4/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quốc Chương tại một hội nghị ở Singapore, tháng 4/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo học chuyên ngành Vật lý lý thuyết, Chương nhận ra nền tảng cốt lõi được sử dụng để xây dựng các lý thuyết vật lý là toán học. Vì thế, Chương tìm hiểu và dịch chuyển dần sang hướng nghiên cứu ứng dụng toán học và lập trình để giải quyết các vấn đề vật lý.

Tháng 11/2018, nam sinh lấy bằng cử nhân loại giỏi với điểm trung bình 8,27/10. Chương sau đó làm việc tại một công ty về giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) trước khi chuyển sang làm thiết kế game.

Tuy nhiên, Chương nhận ra mình vẫn còn niềm yêu thích nghiên cứu khoa học cơ bản nên quyết định nghỉ việc. Cuối năm 2019, Chương ứng tuyển vào một nhóm nghiên cứu ở Hà Nội về tính toán lượng tử. Thời điểm đó, ý định của Chương là học lên cao hơn để sau này kiếm một công việc tốt.

Để duy trì cuộc sống, ngoài nghiên cứu, Chương làm cộng tác viên thiết kế chương trình học về khoa học dữ liệu và máy học cho một công ty đào tạo trực tuyến; nhận xử lý dữ liệu thô cho một vài dự án nghiên cứu về kinh tế.

Một năm sau, Chương đỗ chương trình thạc sĩ ngành Kỹ sư mô phỏng tại trường Đại học Việt Đức với mức hỗ trợ tài chính 50% học phí. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bất ngờ ập đến khiến Chương mất việc. Không có thu nhập chi trả học phí, Chương đành xin thôi học.

“Mặc dù rất buồn nhưng tôi quyết không từ bỏ”, Chương chia sẻ.

Cuối năm 2021, bài báo khoa học “QSUN: Nền tảng mã nguồn mở hướng tới các ứng dụng học máy lượng tử thực tế” của Chương và ba nhà khoa học khác được chấp nhận đăng tải trên tạp chí quốc tế Q1. Chương là tác giả chính, đưa ra ý tưởng, đảm nhận việc lập trình và viết một phần nội dung của bài báo này.

Nhờ cộng tác với các nghiên cứu sinh người Việt ở Đại học Cambridge (Anh) và Đài Loan (Trung Quốc), Chương cũng công bố báo cáo “Mô tả ngắn gọn về lỗ giun bán phần và dị thường lỗ đen” tại hội nghị Vật lý lý thuyết Việt Nam cùng năm này.

Xem qua hồ sơ và quá trình làm việc của Chương, các thầy hướng dẫn trong nhóm nghiên cứu nói cậu đủ khả năng đi Mỹ. Chương lập tức tìm hiểu rồi liên lạc với một số giáo sư ở nước ngoài, và tiếp tục nhận được đánh giá tốt.

“Điểm trung bình học tập tương đối cao, nền tảng nghiên cứu khoa học và sự đánh giá của người từng học tiến sĩ bên Mỹ giúp tôi tự tin nộp đơn thẳng vào bậc tiến sĩ, không qua thạc sĩ”, Chương nói.

Quốc Chương (áo xanh, túi trắng ở giữa) tại hội nghị Topological Quantum Electrons Interacting In-person ở Quy Nhơn, hồi tháng 7/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quốc Chương (áo xanh, túi trắng ở giữa) tại một hội nghị ở Quy Nhơn, tháng 7/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Để chuẩn bị hồ sơ, Chương dành ba tháng ôn luyện bài thi chuẩn hoá GRE (Graduate Record Examinations) dùng để xét tuyển sau đại học ở Mỹ. Kết quả, Chương đạt 317/340 điểm.

Tiếp đó, Chương làm sơ yếu lý lịch, viết bài luận và xin thư giới thiệu.

Trong bài luận, Chương tập trung vào việc chuyển hướng từ vật lý lý thuyết ở bậc đại học sang theo đuổi ngành toán ứng dụng ở bậc tiến sĩ. Theo Chương, hội đồng tuyển sinh sẽ muốn thấy nhìn thấy con người ứng viên qua một quá trình hơn chỉ là thành tích.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hưng, Trung tâm Nano và Năng lượng, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Chương gia nhập nhóm nghiên cứu của ông năm 2019. Ông đánh giá Chương có nền tảng kiến thức tốt về vật lý lý thuyết với sự hiểu biết sâu về vật lý hiện đại, đặc biệt là vật lý lượng tử. Không chỉ giỏi phân tích, tính toán mà Chương còn có kỹ năng lập trình tốt, đặc biệt với các chủ đề hiện đại như học máy và trí tuệ nhân tạo.

“Hoàn cảnh sống đã khiến Chương thành một nhà nghiên cứu độc lập và chăm chỉ. Chương kiếm sống vào ban ngày và làm nghiên cứu với chúng tôi vào ban đêm”, tiến sĩ Hưng nói.

Tiến sĩ Trần Nguyên Lân, giảng viên bộ môn Vật lý, trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết từng có dịp làm việc cùng Chương trong một dự án nghiên cứu về học máy kết hợp tính toán lượng tử.

Ông đánh giá Chương siêng năng, đam mê và có nền tảng chuyên môn tốt.

“Trong quá trình làm việc, Chương thể hiện tính độc lập cao, em tự mày mò, tìm tòi để giải quyết các vấn đề, các thầy chỉ góp ý để Chương phát triển tốt hơn”, thầy Lân nói.

Chương sẽ nhập học ở Mỹ vào cuối tháng 8 năm nay. 9X nói bố mẹ và người thân lo lắng ngành này “bếp bênh và tương lai không rõ ràng”. Tuy nhiên, Chương cho biết đã chuẩn bị tâm lý đối mặt với nhiều khó khăn. Ước mơ lớn nhất của Chương là có một công việc ổn định để vừa hỗ trợ cho gia đình vừa được sống với đam mê.

“Sau khi tốt nghiệp, tôi dự định trở về để góp phần giải các bài toán về giao thông, ô nhiễm không khí, sáng tạo các mô hình tiết kiệm năng lượng”, Chương nói.

Lệ Thu

Nguồn bài viết